Sợi Thế Kỷ (STK): Hưởng lợi từ xu hướng thời trang xanh
9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) đạt 1.686,1 tỷ đồng (tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái), hoàn thành 65% kế hoạch năm 2022, trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 3% còn 197,4 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch năm 2022.
Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, xu hướng các nhãn hàng thời trang lớn đang chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường với những tính năng nổi trội đã tạo ra nhu cầu ngày càng cao cho sản phẩm sợi tái chế. Hơn nữa, do biên lợi nhuận mảng sợi nguyên sinh ngày càng thu hẹp, STK có chiến lược giảm tỷ trọng sợi nguyên sinh và tăng tỷ trọng sợi tái chế lên 100% doanh thu vào năm 2025, tạo động lực tăng trưởng cho Công ty.
Báo cáo phân tích của PHS cũng cho biết, dự án liên minh Sợi - Vải - May gia tăng cơ hội hưởng lợi gián tiếp từ CPTPP: STK đã thành lập liên minh từ sợi đến may mặc với đối tác dệt và đối tác may. Đối tác dệt khởi công xây dựng trước vào năm 2020, tiếp theo STK sẽ khởi công xây dựng nhà máy sợi vào năm 2022.
CPTPP yêu cầu các công đoạn từ sợi trở đi phải được thực hiện ở các nước thành viên CPTPP. Do đó, để hưởng lợi từ CPTPP, các doanh nghiệp may và dệt nhuộm sẽ ưu tiên sợi sản xuất trong nước. Hơn nữa, với chủ trương phát triển chuỗi cung ứng dệt nhuộm may nội địa của nhà nước, nhu cầu sợi nội địa có tiềm năng gia tăng trong tương lai.
Cũng theo PHS, dự án nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex sẽ giúp STK đón đầu xu hướng thời trang xanh. Nhà máy mới tại Tây Ninh với tổng công suất là 60.000 tấn/năm, gấp đôi công suất hiện tại, được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 36.000 tấn/năm; giai đoạn 2: 24.000 tấn/năm).
Nhà máy khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2021. Năm 2023, nhà máy sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2. Đến năm 2025 thì hoàn thành giai đoạn 2. Nhà máy tập trung sản xuất sợi tái chế, sợi chất lượng cao, và sợi đặc biệt.
Áp lực lạm phát ảnh hưởng đến nhu cầu dệt may toàn cầu, PHS ước tính doanh thu thuần của STK năm 2023 sẽ đạt 2.252 tỷ đồng, không tăng so với năm 2022. PHS cho rằng áp lực lạm phát tăng giá nguyên vật liệu đầu vào và biến động của tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến các khoản nợ và chi phí lãi vay của công ty trong năm 2023, qua đó ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 239 tỷ đồng (giảm 1,4% so với năm trước).
Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow) và EV/EBITDA, PHS xác định mức giá hợp lý đối với STK là 45.700 đồng/CP. Qua đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu STK.
Rủi ro được PHS đưa ra: (1) Rủi ro lớn nhất của STK là rủi ro nguồn nguyên liệu. Ngoài ra công ty còn có những rủi ro sau: (2) Rủi ro tỷ giá hối đoái; (3) Rủi ro pha loãng; (4) Rủi ro lạm phát làm giảm tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu; (5) Rủi ro nợ vay.