Quảng Ninh khai thác lợi thế phát triển du lịch tàu biển
Trong những năm gần đây, du lịch tàu biển giữ vai trò quan trọng trong thu hút, gia tăng lượng khách quốc tế của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, góp phần quảng bá hiệu quả thương hiệu du lịch địa phương trên bản đồ du lịch thế giới; mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp khai thác khách.
Quảng Ninh là một trong những điểm đến có nhiều ưu thế để phát triển du lịch tàu biển. Không chỉ nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới, gần với Trung Quốc, một thị trường rất tiềm năng của mảng du lịch tàu biển, nơi mà rất nhiều hãng tàu quốc tế đưa tàu du lịch đến để khai thác. Đây là địa phương có điểm đến gần nhất để đến những thị trường Bắc Á khác như: Đài Loan, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Bên cạnh đó, Quảng Ninh sở hữu Vịnh Hạ Long - Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới và rất nhiều di tích danh lam thắng cảnh đẹp, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ...
Theo đánh giá của các chuyên gia, sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch nói chung và du lịch tàu biển nói riêng chịu tác động lớn. Vì vậy, để đón đầu lượng khách du lịch tàu biển tới Hạ Long trong thời gian tới, Quảng Ninh đang tích cực thực hiện các giải pháp phục hồi du lịch. Trong đó, ngành Du lịch địa phương này tích cực phát triển các tour, tuyến du lịch mới, xây dựng điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ, các điểm tham quan du lịch cho du khách tàu biển.
Quảng Ninh cũng đã thúc đẩy đầu tư, ra mắt các cơ sở hạ tầng, xây dựng các điểm, tour du lịch mới hấp dẫn, phù hợp cho khách du lịch nói chung và dòng khách tàu biển nói riêng. Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh như Hải quan, Biên phòng, kiểm dịch, cảng tàu luôn tạo điều kiện thuận lợi, chủ động tiếp nhận thông tin hành khách 24/24 giờ để hoàn thành thủ tục xuất nhập cảnh một cách nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo chính xác, đúng quy trình. Khách du lịch sau khi nhập cảnh, lên bờ có thể di chuyển ngay lên xe để bắt đầu các tour đi tham quan Hạ Long và những địa phương lân cận.
Khách du lịch tàu biển di chuyển từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long để đi tham quan, khám phá thành phố. Ảnh: BQN.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong năm 2024, dự kiến sẽ có khoảng 60 tàu biển quốc tế chở khoảng 80.000 khách du lịch đăng ký cập Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long. Các tàu khách đăng ký cập cảng trong năm 2024 thuộc nhiều thương hiệu lớn và nổi tiếng thế giới như Mein Schiff 6 và 5, Celebrity Solstice, Noordam, MSC Splendida, Westerdam... Khách quốc tế đi theo hải trình tàu biển sẽ bổ sung và làm phong phú thêm nguồn khách du lịch đến Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung, khi bắt đầu vào mùa thấp điểm của du lịch nội địa.
Mùa du lịch tàu biển quốc tế 2023 – 2024 bắt đầu từ tháng 10/2023. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2023, đã có 23 chuyến tàu biển, mang theo khoảng 23.000 khách đến Quảng Ninh. Trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 1, đã có 13 tàu biển đăng ký cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long mang theo gần 20.000 du khách châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Bước vào mùa tàu biển từ tháng 10/2023, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón liên tiếp các tàu khách quy mô lớn đến thăm Vịnh Hạ Long và các điểm du lịch của Quảng Ninh. Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2023, đã có 23 chuyến tàu biển, mang theo khoảng 23.000 khách đến Quảng Ninh.
Trước đó, ngày mùng một Tết Dương lịch 2024, hai tàu biển quốc tế đã “xông đất” đầu năm mới tại thành phố Hạ Long. Đó là, tàu Vasco Da Gama (quốc tịch Bồ Đào Nha) lần đầu tiên cập bến tại Hạ Long, đưa gần 650 du khách Đức đến tham quan, du lịch. Tàu Celebrity Solstice (quốc tịch Malta, đã cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long 5 lần trong năm 2023) mang theo hơn 3.000 du khách châu Âu, châu Mỹ. Đây cũng là một trong những đoàn khách lớn nhất kể từ khởi đầu mùa du lịch tàu biển quốc tế 2023 – 2024 đến nay. Tiếp đến, ngày 4/1, hai tàu biển khác là Zhao Shang Yi Dun (quốc tịch Trung Quốc) và Westerdam (quốc tịch Hà Lan) đã đưa gần 2.200 khách châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đến Hạ Long.
Trong năm 2024, dự kiến sẽ có khoảng 60 tàu biển quốc tế chở khoảng 80.000 khách du lịch đăng ký cập Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long.
Để hấp dẫn khách du lịch nói chung, khách du lịch tàu biển nói riêng, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đưa vào nhiều sản phẩm mới, hướng đến các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa, chăm sóc sức khỏe... với tiêu chí độc đáo, mới lạ. Nhiều sản phẩm dự kiến sẽ tạo sức hút với khách quốc tế như: Nhà trưng bày không gian văn hoá đồng bào dân tộc Dao Thanh Y (thành phố Uông Bí); sản phẩm Hạ Long City Tour tham quan bên Hòn Gai cho khách du lịch tàu biển; khám phá công trường khai thác than
Ngoài ra, Sở Du lịch Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch; duy trì, kết nối và mở rộng thị trường khách du lịch tàu biển, làm việc với các đại diện tàu biển, giới thiệu về quy mô và các chính sách xuất nhập cảnh của Quảng Ninh, Việt Nam.Đồng thời, phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, kéo dài thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách với các phân khúc thị trường khác nhau, tăng sức cạnh tranh cho điểm đến.
Năm 2024, ngành Du lịch tỉnh đặt mục tiêu đón 17 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu du lịch đạt 39.100 tỷ đồng. Cụ thể, trong quý I, ngành Du lịch dự kiến đón 5,1 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 9.948 tỷ đồng. Quý II, đón 4,5 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 10.182 tỷ đồng. Quý III, đón khoảng 4,6 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch ước đạt 11.292 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đón 17 triệu lượt khách, ngành Du lịch tỉnh bám sát chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh: “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Từ đó, tập trung rà soát hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan phát triển các sản phẩm du lịch mới, phát triển kinh tế xanh, kinh tế đêm. trong quý I, Sở sẽ triển khai các hoạt động du lịch dịp Tết Nguyên đán, hoạt động lễ hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch chi tiết để triển khai các hoạt động phát động chương trình kích cầu du lịch theo kế hoạch; chuẩn bị các điều kiện để đón các hãng tàu biển quốc tế theo lịch trình; rà soát, đánh giá tình hình đón khách du lịch Trung Quốc qua đường bộ.
Sở Du lịch sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối với các địa phương đã có ký kết hợp tác du lịch để trao đổi nguồn khách như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh. Đồng thời kiểm tra, rà soát các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ khách du lịch; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thị trường trong nước và quốc tế. Tổ chức các hoạt động sự kiện tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh để mở rộng không gian, kéo dài thời gian lưu trú; tổ chức các chương trình tour du lịch MICE.
Đối với thị trường khách quốc tế, ngành Du lịch chủ động đổi mới và tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung quảng bá vào các thị trường Đông Bắc Á gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các thị trường mới: Ấn Độ và Trung Đông. Bên cạnh đó, tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế; tổ chức chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch Quảng Ninh tới các cơ quan đại diện, các tổ chức nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Nguyễn Hoàng