Petrovietnam đảm bảo cung ứng điện, cung cấp khí trong mùa khô 2023
Tổng giám đốc Petrovietnam yêu cầu bằng mọi nỗ lực đảm bảo đúng chất lượng, đủ khối lượng nguyên liệu đầu vào (khí, than, dầu) để phát điện, tránh trường hợp phải dừng máy do thiếu nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện.
Lĩnh vực điện là một trong 5 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Trải qua gần 20 năm xây dựng và hình thành lĩnh vực Điện, từ con số "0" ban đầu nay đã hình thành chuỗi các loại hình phát điện hiện nay như: nhiệt điện khí; thủy điện; nhiệt điện than và tương lai sẽ là các mô hình năng lượng điện mới như năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi.
Hiện nay, tổng công suất các nhà máy điện của Tập đoàn và các đơn vị thành thành viên đạt 6.600MW, chiếm khoảng 8,5% công suất toàn hệ thống, hằng năm phát hàng chục tỷ kWh lên lưới điện và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Người đại diện phần vốn tại các doanh nghiệp có góp vốn của Petrovietnam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), các Ban QLDA ĐLDK Sông Hậu 1, Thái Bình 2 chịu trách nhiệm, bằng mọi nỗ lực đảm bảo đúng chất lượng, đủ khối lượng nguyên liệu đầu vào (khí, than, dầu) để phát điện, tránh trường hợp phải dừng máy do thiếu nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy điện.
Từ đó đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, đủ cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong các tháng mùa khô và cả năm 2023.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng thiết bị, kịp thời xử lý các sự cố, bất thường tại các nhà máy điện, đảm bảo khả dụng, an toàn, tin cậy vận hành các tổ máy phát điện, đặc biệt trong các tháng mùa khô năm 2023. Đồng thời, tăng cường kiểm soát, giảm thiểu thời gian dừng bảo dưỡng sửa chữa nhà máy điện theo kế hoạch và tối ưu kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa khi nhu cầu điện tăng cao.
Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và các đơn vị trực thuộc PV GAS, phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn, Chủ mỏ và các hộ tiêu thụ điện thực hiện tốt việc giao nhận cung cấp khí cho các nhà máy điện theo kế hoạch; Tăng cường kiểm soát, giảm thiểu thời gian thực hiện bảo dưỡng sửa chữa hệ thống khí và tối ưu kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa hệ thống khí khi nhu cầu điện tăng cao.
Tiếp tục tìm các giải pháp kỹ thuật, thương mại nhằm tăng khả năng cung cấp khí cho điện và thực hiện công tác phát triển, bổ sung các nguồn khí mới để bù đắp sự thiếu hụt của các nguồn khí hiện hữu do suy giảm sản lượng.
Với 2 dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 hoàn thành đi vào hoạt động, Petrovietnam đã đáp ứng mục tiêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội; nâng tổng công suất các nhà máy điện vận hành của Petrovietnam , tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của PVN là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Đồng thời, giúp cho Tập đoàn tích lũy thêm bài học kinh nghiệm, củng cố năng lực, thực hiện thành công các dự án khó khăn, phức tạp hơn, góp phần xây dựng và phát triển Tập đoàn đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vững mạnh hơn.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc về kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2023.
Theo đó, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2023) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 MW đến 4.900 MW. Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị phải nghiêm túc thực hiện kế hoạch cung cấp điện và cung cấp than phục vụ cho phát điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt và các chỉ đạo của Bộ Công Thương, mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung cấp điện cho đất nước.
Lan Anh