Nghị quyết 68: Trao quyền lực mới cho kinh tế tư nhân
Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân được xác định là "động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân". Nghị quyết 68-NQ/TW được xem là bước ngoặt về tư duy phát triển, gỡ bỏ định kiến còn tồn tại với khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời mở ra những cam kết mới mạnh mẽ của Nhà nước
Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân được xác định là "động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân". Nghị quyết 68-NQ/TW được xem là bước ngoặt về tư duy phát triển, gỡ bỏ định kiến còn tồn tại với khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời mở ra những cam kết mới mạnh mẽ của Nhà nước trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp.
Từ một khu vực từng bị xem nhẹ, kinh tế tư nhân nay được đặt đồng hàng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể trong nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng. Nổi bật hơn, lần đầu tiên trong một văn kiện trực tiếp của Đảng, khu vực kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.
Nghị quyết 68 được xem là một văn kiện đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử với khu vực kinh tế tư nhân. Nó không chỉ thể hiện sự thay đổi trong nhận thức, mà còn là cam kết chính trị gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và toàn dân: Phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài, không phải giải pháp tình thế.
Không chỉ là những đột phá về tư duy, Nghị quyết 68 còn thể hiện niềm tin lớn lao của Đảng và Nhà nước vào khu vực kinh tế tư nhân. Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, tăng gấp đôi so với hiện nay; khu vực tư nhân đóng góp 58% GDP, 40% thu ngân sách và tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động.
Xa hơn, đến năm 2045 phấn đấu có 3 triệu doanh nghiệp và ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Những con số không chỉ thể hiện quy mô kỳ vọng, mà còn là thông điệp rõ ràng về khát vọng phát triển một khu vực tư nhân mạnh, dẫn dắt, bản lĩnh và hội nhập.

Chia sẻ bên lề Tọa đàm “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam”, sáng 8/5, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) đánh giá cao tinh thần đột phá của Nghị quyết 68, đặc biệt là việc xác định rõ kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất.
Ông cho rằng, văn kiện lần này không chỉ xác định vai trò, mà còn đưa ra hệ thống giải pháp đủ mạnh để gỡ bỏ những rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không lớn được hoặc không muốn lớn. Trong đó, việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh được xem là giải pháp then chốt. Đây là góc nhìn thẳng thắn và thực tế về một rào cản vô hình nhưng đầy sát thương. Tiếp theo là hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân về vốn, đất đai, lao động chất lượng cao… theo hướng công bằng, minh bạch và chi phí hợp lý.
Đặc biệt, Nghị quyết còn rất quyết liệt trong việc sửa đổi các quan hệ kinh tế Nhà nước - doanh nghiệp. Các quy định về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được thu gọn, rõ ràng và minh bạch hơn. Việc chỉ thanh tra một lần mỗi năm và chỉ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng được xem là bổ sung mang tính quyết đoán, có thể tháo gỡ tâm lý “sợ lớn” ở không ít doanh nghiệp tư nhân.
Về mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đánh giá đây là một mục tiêu vừa tham vọng, vừa áp lực. Muốn đạt được, cần đồng thời ươm mầm doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện. Theo chuyên gia, chống hình thức, chống trì hoãn là điều tiên quyết. Các bộ, ngành, địa phương không thể chậm trễ trong việc ban hành kế hoạch hành động. Kế hoạch đó cũng phải phù hợp với tinh thần và tốc độ của Nghị quyết, chứ không thể sao chép rập khuôn hoặc trì hoãn từ quý này sang quý khác.
Ông Nguyễn Đình Cung đề xuất Chính phủ nên thành lập một nhóm công tác đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, hoạt động độc lập, phi cục bộ, không bị chi phối bởi lợi ích ngành, địa phương. Nhóm này sẽ rà soát lại toàn bộ các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh, kiến nghị bãi bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp, xóa bỏ tư duy xin - cho, phá vỡ cơ chế quản lý kiểu “không quản được thì cấm”.
Không dừng lại ở đó, ông nhấn mạnh cần xây dựng hệ thống pháp lý nhất quán, minh bạch, giảm chi phí tuân thủ, tháo gỡ rào cản gia nhập thị trường. Và quan trọng nhất: “Cần đập bỏ các điểm nghẽn, chứ không chỉ chỉnh sửa theo tư duy cũ. Nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội cải cách”.
Nếu được triển khai thực chất và quyết liệt, Nghị quyết 68 sẽ là nền móng tái cấu trúc toàn diện mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, để từ đó khu vực kinh tế tư nhân có thể thật sự lớn mạnh và bứt phá.
Tư duy đã có, cam kết chính trị đã rõ, lộ trình phát triển đã vạch ra, điều còn lại chính là hành động nhanh chóng, thực chất và đồng bộ. Bởi lẽ, khi kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất, thì việc xóa bỏ mọi định kiến, tháo gỡ rào cản, tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển chính là lựa chọn chiến lược của quốc gia, chứ không chỉ là mong muốn của doanh nhân.
Bảo Thoa