0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 19/02/2025 16:17 (GMT+7)

Nghệ thuật pha trà Việt Nam: Bí quyết giữ trọn hương vị và tinh thần trà đạo

Theo dõi KT&TD trên

Nghệ thuật pha trà là hội tụ của sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng công đoạn để giữ trọn hương vị của trà cũng như thể hiện sự tôn trọng đối với trà đạo. Một ấm trà ngon là sự kết hợp hoàn hảo giữa nhiều yếu tố, trong đó cách pha trà đóng vai trò quan trọng tạo nên hương vị đặc trưng của từng loại trà.

Nghệ thuật pha trà Việt Nam: Bí quyết giữ trọn hương vị và tinh thần trà đạo - Ảnh 1

Trong nghệ thuật pha trà, nước được xem là yếu tố quan trọng bậc nhất. Nước dùng để pha trà phải là nước tinh khiết, không có mùi lạ, không chứa nhiều tạp chất. Người ta thường sử dụng nước mưa sạch, nước giếng khơi hoặc nước suối thiên nhiên để đảm bảo vị trà được trọn vẹn.

Ngoài nước, chất lượng trà cũng quyết định sự thành công của một ấm trà ngon. Trà cần được bảo quản cẩn thận để tránh mất đi hương vị đặc trưng. Những người yêu trà thường bảo quản trà trong hộp kín, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, đồng thời đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, không để gần những thực phẩm có mùi mạnh để tránh làm biến đổi hương vị của trà.

Nghệ thuật pha trà Việt Nam: Bí quyết giữ trọn hương vị và tinh thần trà đạo - Ảnh 2

Các bước pha trà trong văn hóa của người Việt

Sau khi có nước chuẩn và trà ngon, quy trình pha trà cần được thực hiện một cách chỉn chu và cẩn thận. Quy trình pha trà chuẩn gồm: Trước tiên, nước cần được đun ở nhiệt độ phù hợp, dao động từ 75°C - 98°C tùy vào loại trà. Sau đó, ấm và chén trà được làm nóng để rửa sạch những bụi bặm còn bám trên dụng cụ pha trà, tránh làm mất đi vị của trà. Khi ấm chén đã đạt nhiệt độ lý tưởng, trà được cho vào với lượng phù hợp, thường từ 3 đến 5 gam trà cho 150ml nước, chiếm khoảng 1/5 đến 1/2 dung tích ấm.

Tiếp theo là tỉnh trà, đánh thức được hương thơm của trà tức rót nước nóng vào trà rồi tráng nhanh chóng và đổ đi. Mục đích của bước này là giúp lá trà khai mở được hương vị cũng như mùi hương đang ẩn bên trong búp trà.

Bước quan trọng nhất là hãm trà. Hãm trà là một bước quan trọng trong nghệ thuật pha trà, quyết định trực tiếp đến hương vị, màu sắc và độ đậm nhạt của trà. Đây không chỉ đơn thuần là việc ngâm lá trà trong nước mà còn là một quá trình tinh tế, yêu cầu sự hiểu biết và điều chỉnh hợp lý giữa thời gian, nhiệt độ và cách xử lý lá trà. Nếu hãm quá lâu, trà sẽ trở nên chát và mất đi hương thơm, trong khi nếu thời gian quá ngắn, trà có thể nhạt nhẽo và chưa kịp giải phóng hết tinh chất. Lượng nước phù hợp được rót vào ấm và đậy nắp hãm trong khoảng 10 đến 40 giây, tùy loại trà. Chẳng hạn, trà xanh thường chỉ cần từ 10 đến 30 giây, trong khi trà ô long hoặc trà đen có thể kéo dài từ 30 giây đến một phút tùy thuộc vào chất lượng trà. Những loại trà được oxy hóa nhiều hơn, như trà ô long hoặc trà đen, có thể chịu được thời gian hãm lâu hơn mà không bị chát. Trong khi đó, trà xanh với lá non, mềm, cần được hãm nhanh để giữ được vị tươi mát và thanh khiết.

Nghệ thuật pha trà Việt Nam: Bí quyết giữ trọn hương vị và tinh thần trà đạo - Ảnh 3

Bên cạnh thời gian, nhiệt độ nước cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình hãm trà. Nếu nước quá nóng, lá trà sẽ bị “cháy”, dẫn đến vị chát và mất đi hương thơm tinh tế. Ngược lại, nếu nước quá nguội, trà sẽ không thể giải phóng hết các hợp chất hương vị. Trà xanh thường được pha ở nhiệt độ từ 75-85°C, trong khi trà ô long và trà đen có thể chịu được mức nhiệt cao hơn, dao động từ 85-98°C. Trong quá trình hãm trà, việc kiểm soát lượng nước và cách rót nước vào ấm cũng có ảnh hưởng lớn đến chất lượng trà. Khi rót nước, nên sử dụng lực nước nhẹ nhàng để không làm trà bị sốc nhiệt, đặc biệt là đối với các loại trà có lá nhỏ và mềm.

Sau mỗi lần hãm, trà có thể được pha tiếp tục nhiều lần với thời gian hãm tăng dần để giữ được hương vị đậm đà. Những loại trà cao cấp, như trà Phổ Nhĩ hay một số loại khác có thể pha đến 5-8 lần mà vẫn giữ được vị ngon.

Quá trình pha trà vô cùng phức tạp đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ, chính vì vậy việc quyết định chén trà thực sự đạt đến được “độ chín” hay chưa tùy thuộc vào chính người pha trà. Trong các buổi thưởng trà, những người phụ nữ thực hiện công việc pha tra được gọi là “Trà Nương” hiểu theo nghĩa rộng hơn chính họ là những người phụ nữ đã và đang nỗ lực giới thiệu văn hóa trà đến công chúng. Cũng như có công trong việc hoàn thiện trà đạo.

Nghệ thuật pha trà Việt Nam: Bí quyết giữ trọn hương vị và tinh thần trà đạo - Ảnh 4

Thưởng trà - thưởng thức nét tinh túy của một ấm trà ngon

Uống trà không chỉ là việc thưởng thức một thức uống mà còn là tận hưởng một nghệ thuật, một triết lý sống và một sự thư thái trong tâm hồn. Người Việt Nam từ lâu đã có thói quen mời nhau chén trà như một cách thể hiện lòng hiếu khách, sự tôn trọng và kết nối tâm hồn.

Thưởng trà thường được thực hiện trong không gian yên tĩnh, nhấp từng ngụm trà, cảm nhận sự ấm áp lan tỏa, ta có thể tìm thấy những phút giây bình yên giữa nhịp sống hối hả. Mỗi loại trà mang một hương vị riêng, một câu chuyện riêng, người thưởng trà không vội vàng mà chậm rãi cảm nhận sự biến đổi của hương vị qua từng ngụm nhỏ, từ vị chát nhẹ ban đầu đến hậu ngọt đọng lại nơi cuống họng. Thưởng trà còn là một cách kết nối con người với nhau. Từ những buổi trà đàm giữa tri kỷ, nơi tâm sự được giãi bày, đến những buổi trà đạo mang tính nghi lễ, nơi người ta thể hiện sự tôn kính và khiêm nhường. Chính sự tinh tế này làm nên nét đẹp của nghệ thuật pha trà và thưởng trà, nơi con người tìm thấy sự thư thái và cân bằng trong cuộc sống.

Dương Diệu

Bạn đang đọc bài viết Nghệ thuật pha trà Việt Nam: Bí quyết giữ trọn hương vị và tinh thần trà đạo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thành phố Hồ Chí Minh chi gần 17.000 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn bộ máy
Chiều 20/2, tại Kỳ họp thứ 21 HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại và sắp xếp đơn vị hành chính.

Tin mới

Chiều nay (21/2) vàng thế giới và trong nước đều quay đầu giảm
Sau 5 phiên liên tục tăng và lập các “đỉnh mới”, giá vàng cả thế giới và trong nước quay đầu giảm. Hiện tại, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 89,7 - 92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300 nghìn đồng/lượng.
Cảnh báo nguy cơ mất thông tin tài khoản và mật khẩu tại các hệ thống thông tin dùng chung
Công an TP Hà Nội thông tin, thông qua thực hiện công tác giám sát, bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện tình trạng lộ, mất thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập vào các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn TP.
Cơn sốt “túi mù” lan sang ngành F&B: Trào lưu kích thích trí tò mò và tăng doanh số
Thời gian gần đây, “túi mù” (hay còn gọi là hộp mù, blind box... ) đã trở thành một hiện tượng gây sốt trên mạng xã hội và dần lan rộng sang ngành F&B (Thực phẩm và đồ uống). Điểm đặc biệt của mô hình này nằm ở sự bất ngờ – người mua không biết chính xác mình sẽ nhận được gì cho đến khi mở gói.
Ô tô nhập khẩu giảm mạnh dù được giảm thuế
Thị trường ô tô nhập khẩu tại Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn đầy biến động. Dù các chính sách giảm thuế nhập khẩu đã được áp dụng nhằm kích cầu tiêu dùng, tuy nhiên số lượng xe nhập khẩu trong những tháng gần đây lại sụt giảm đáng kể.