Nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thủ đô
Thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố năm 2025, trong đó 10-15 sản phẩm được công nhận lần đầu.
Phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố. Đây cũng là giải pháp để các doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thủ đô nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác, đẩy mạnh liên kết để tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch 320/KH-UBND về thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố Hà Nội năm 2025.
Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực (SPCNCL) đề ra trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị gia tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, tác động lan tỏa cao đến các ngành sản xuất và kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội với doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.
Theo đó, Thành phố đặt ra mục tiêu thu hút sự tham gia của 20-25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận SPCNCL Thành phố năm 2025, trong đó 10-15 sản phẩm được công nhận lần đầu. Phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố.
Nội dung thực hiện theo Kế hoạch cụ thể: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội: Cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, hải quan, thuế, đầu tư. Tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thành lập, xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các quỹ của Trung ương và Thành phố.
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL phát triển khoa học công nghệ: Kết nối với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước, các nhà khoa học; Thông tin, liên kết mời các nhà sản xuất công nghệ, thiết bị của các nước có nền công nghiệp phát triển vào Việt Nam gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Hà Nội.
Phát triển nguồn nhân lực: Tổ chức hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với các cơ sở đào tạo uy tín trên địa bàn Thành phố; Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL. Xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất SPCNCL Thành phố: Tổ chức hội chợ SPCNCL với qui mô khoảng 200 -250 gian hàng, các khu trưng bày chung của Ban tổ chức, thu hút 500-700 khách quốc tế; Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; Tổ chức các hoạt động kết nối, hợp tác trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp sản xuất SPCNCL với nhau và với các doanh nghiệp khác của Thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Xây dựng Đề án phát triển SPCNCL Thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 – 2030, có xét đến năm 2045.