0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ năm, 17/10/2024 10:42 (GMT+7)

Đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm

Theo dõi KT&TD trên

Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành Công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm
Ảnh minh họa.

Các ngành Công nghiệp trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy nền công nghiệp quốc gia nói riêng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung theo định hướng của Đảng và Nhà nước là các ngành Công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn theo chủ trương, định hướng của Đảng về công nghiệp hóa đất nước.

Công nghiệp trọng điểm là các ngành mà dựa trên đó các ngành Công nghiệp khác tồn tại và phát triển, cung cấp các yếu tố đầu vào và tư liệu sản xuất cho các ngành Công nghiệp và kinh tế khác; là cơ sở thúc đẩy tiến bộ công nghệ, nâng cấp trình độ của toàn bộ nền công nghiệp và các ngành kinh tế khác; có tác động lan toả và thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao.

Do các đặc điểm nêu trên, các ngành Công nghiệp trọng điểm có vai trò hết sức quan trọng, là động lực để thúc đẩy toàn bộ nền công nghiệp nói riêng cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế nói chung.

Chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm

Theo Bộ Công Thương, trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách phát triển các ngành Công nghiệp trọng điểm ở nước ta hiện nay, hạn chế thứ nhất là chưa có hành lang pháp lý xác định rõ trọng tâm phát triển các ngành Công nghiệp trọng điểm trong quá trình công nghiệp hóa.

Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể hóa về việc xác định các ngành Công nghiệp trọng điểm, then chốt cũng như chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển các ngành này (danh mục các ngành công nghiệp trọng điểm có hiệu lực pháp lý thấp, lạc hậu so với thực tế). Việc thiếu các quy định này dẫn đến việc thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, các Chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương và địa phương phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Thứ hai, pháp luật hiện hành về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các ngành Công nghiệp trọng điểm còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp hoặc chưa được xây dựng. Các giải pháp hỗ trợ về thị trường chưa được quan tâm đúng mức trong quá trình xây dựng chính sách công nghiệp; Cơ chế, chính sách cho ứng dụng, chuyển giao, cải tiến, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất trong các ngành Công nghiệp – đặc biệt là các công nghệ then chốt trong các ngành Công nghiệp trọng điểm còn thiếu tính bền vững, dài hạn không phù hợp với đặc thù của các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Thứ ba, đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ, mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ, tuy nhiên các chính sách được ban hành rất chậm. Các cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ chưa được cụ thể hóa…

Thứ tư, môi trường kinh doanh thời gian qua tuy có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến tính ổn định trong việc phát triển các ngành Công nghiệp trọng điểm vốn yêu cầu các chính sách cần mang tính ổn định, dài hạn, tầm nhìn chiến lược.

Thứ năm, năng lực cạnh tranh của bản thân các doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành Công nghiệp trọng điểm còn rất nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, thiếu vốn tự có, thiếu minh bạch tài chính, thiếu tài sản thế chấp, thiếu phương án sản xuất kinh doanh dẫn đến không đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng nên gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh...

Thúc đẩy sự phát triển của các ngành Công nghiệp trọng điểm phù hợp với khoa học, đổi mới sáng tạo

Vì vậy, việc ban hành Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm trong tình hình, bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp bách nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị và mới đây nhất là Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thúc đẩy sự phát triển của các ngành Công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kiến tạo được một số đột phá về chính sách, pháp luật để xử lý các điểm nghẽn cơ bản trong phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm theo hướng từ chiều rộng sang theo chiều sâu, từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đồng thời tạo đột phá về quá trình hiện đại hóa trong công nghiệp.

Đẩy mạnh phân công, phân cấp thông qua tạo cơ sở pháp lý khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành địa phương trong khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương.

Đề xuất 2 chính sách

Bộ Công Thương đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm với 2 chính sách sau:

Chính sách 1: Khuyến khích sản xuất, chế tạo trong nước các sản phẩm công nghiệp trọng điểm.

Mục tiêu của chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư trong các ngành công nghiệp trọng điểm; nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất công nghiệp. Khắc phục từng bước tình trạng sản phẩm công nghiệp sản xuất tại Việt Nam chủ yếu mang tính chất gia công, giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa tiếp cận được về chuyển đổi số hướng đến sản xuất thông minh; thúc đẩy việc hình thành chuỗi giá trị công nghiệp thông qua các chính sách phát triển doanh nghiệp dẫn đầu.

Khắc phục sự thiếu tính chiến lược, kế hoạch trong định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian qua; làm căn cứ bảo đảm tính khả thi trong việc bố trí các nguồn lực phát triển công nghiệp tập trung vào các ngành trọng điểm, then chốt, có ý nghĩa quan trọng, đòn bẩy trong quá trình công nghiệp hóa, tránh việc áp dụng quá rộng rãi các cơ chế ưu đãi khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp, vừa không hiệu quả, vừa gây lãng phí nguồn lực Nhà nước; bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp trọng điểm.

Chính sách 2: Phát triển công nghiệp hỗ trợ

Mục tiêu của chính sách là phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp quốc phòng.

Đồng thời, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm thu hút đầu tư, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trong các lĩnh vực này.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ hài hòa, bền vững giữa các ngành Công nghiệp, lấy phát triển chiều sâu làm trọng tâm, với các ưu tiên đột phá để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững và thân thiện môi trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa.

Bạn đang đọc bài viết Đề nghị xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Sống sau lũ 2024 - Cùng đồng bào hướng đến tương lai
Sống sau lũ 2024 là một chương trình xã hội với mục tiêu trao tặng con giống, vật nuôi và những hỗ trợ cần thiết giúp bà con vùng chịu ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) nhanh chóng ổn định sinh kế, từng bước tái thiết cuộc sống và hướng tới một tương lai tươi sáng.
Thêm một loạt đường bay quốc tế mới đến Phú Quốc
Phú Quốc được dự đoán có mùa du lịch cuối năm “bùng nổ” khi nhiều đường bay quốc tế mới chuẩn bị được đưa vào khai thác, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới muốn trải nghiệm, khám phá hòn đảo Ngọc của Việt Nam.

Tin mới

Uống cà phê như một thói quen ăn kiêng
Một nghiên cứu mới cho thấy rằng tiêu thụ vừa phải cà phê và caffeine thường xuyên có thể có lợi để ngăn ngừa các bệnh như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch vành và đột quỵ.
Đà Nẵng: Xử phạt 32 triệu đồng trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp trên địa bàn Quận Sơn Trà
Trong tháng 10/2024, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT thành phố Đà Nẵng tiến hành kiểm tra đột xuất và xử phạt đối với 03 tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng thực hiện hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Tổng số tiền xử phạt là 32.000.000 đồng.
Sống sau lũ 2024 - Cùng đồng bào hướng đến tương lai
Sống sau lũ 2024 là một chương trình xã hội với mục tiêu trao tặng con giống, vật nuôi và những hỗ trợ cần thiết giúp bà con vùng chịu ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) nhanh chóng ổn định sinh kế, từng bước tái thiết cuộc sống và hướng tới một tương lai tươi sáng.
Thái Nguyên: Kiểm tra, phát hiện gần 1.600 đơn vị sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 1 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đối với Hộ kinh doanh L.V.H do ông L.V.H làm chủ, có địa chỉ tại phường Trung Thành, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, phát hiện gần 1.600 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc