Kinh doanh khó khăn, Cen Land còn vướng “lùm xùm” chậm trả phí môi giới
Vừa qua, trên một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội có một số bài đăng tải đề cập đến việc Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land) và các công ty thành viên trả chậm phí dịch vụ cho các sàn liên kết.
Cen Land lên tiếng phủ nhận
Trong thông báo mới đây, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, Mã: CRE) cho biết, thời gian vừa qua, một số sàn giao dịch bất động sản, đại lý bán hàng đã lợi dụng mạng xã hội để đưa các thông tin không đúng sự thật về uy tín và thương hiệu của CenLand) và các công ty trực thuộc Tập đoàn Cen Group.
Cụ thể, trên nền tảng Facebook và Tiktok đã xuất hiện bài đăng đăng tải những thông tin (video clip, hình ảnh) không đầy đủ với nội dung trao đổi và sự xuất hiện của lãnh đạo CenLand cùng lời lẽ sai sự thật, điều hướng dư luận, xuyên tạc về lãnh đạo và hoạt động kinh doanh của CenLand.
"Đây là hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, hình ảnh của lãnh đạo và uy tín, thương hiệu của CenLand", phía doanh nghiệp cho hay.
Thông tin cụ thể hơn về việc này, CenLand cho biết, đối với các giao dịch phân phối bất động sản, trên cơ sở các hợp đồng dịch vụ với các chủ đầu tư (bao gồm cả các đơn vị phát triển dự án, đơn vị F1,...), cùng với các hệ thống bán hàng rộng khắp được tổ chức riêng, CenLand sẽ kêu gọi, hợp tác với các sàn liên kết để cùng triển khai phân phối các sản phẩm bất động sản tại các dự án này.
Theo quy định tại các Hợp đồng với các sàn liên kết, Cen Land sẽ thanh toán phí dịch vụ cho các sàn liên kết theo nguyên tắc sau khi nhận được phí dịch vụ từ chủ đầu tư và tương ứng với tỷ lệ nhận được phí dịch vụ từ các chủ đầu tư.
"CenLand luôn luôn thực hiện đúng theo các quy định này, bất kỳ khoản phí nào nhận được từ chủ đầu tư đều được CenLand thanh toán cho các sàn đúng tỷ lệ và các sàn đều được nhận đầy đủ phí sau khi Cen Land nhận được đủ phí từ chủ đầu tư. Cùng với đó, đối với một số dự án cụ thể, để tạo điều kiện và thu hút thêm các sàn tham gia, thông qua cơ chế tạm ứng phí, CenLand và các công ty thành viên có thể thanh toán cho các sàn sớm hơn và với tỷ lệ nhiều hơn so với tiến độ và mức phí nhận được từ chủ đầu tư.
Tuy nhiên có một số sàn liên kết không hiểu hoặc cố tình không hiểu quy định này, đã yêu cầu Cen Land và các công ty thành viên thanh toán nhiều hơn số phí CenLand nhận được từ chủ đầu tư. Ngoài ra, một số sàn đã đã có các động thái như phát ngôn, đăng tải các thông tin sai sự thật đích nói xấu, gây sức ép để Cen Land phải thanh toán phí dịch vụ không đúng với quy định.
Đơn cử như sàn liên kết Song Phú Invest là sàn tham gia phân phối dự án Phương Nam River Park tại TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã có các đòi hỏi thanh toán vô lý, ngay cả khi trên thực tế sàn này đã được CTCP Bất động sản Cen Sài Gòn (đơn vị thành viên của CenLand) thanh toán phí nhiều hơn tỷ lệ Cen Sài Gòn nhận được từ chủ đầu tư)”, thông báo từ phía CenLand nêu rõ.
Do đó, phía doanh nghiệp này cho biết sẽ trao đổi, làm việc với các sàn, đồng thời, đối với các cá nhân, sàn đăng tải các bài viết không đúng sự thật, có dấu hiệu nói xấu, bôi nhọ Công ty và lãnh đạo Công ty. Đồng thời, CenLand cho biết sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để yêu cầu gỡ bỏ, đính chính thông tin, trong trường hợp cần thiết, có thể làm việc với cơ quan quản lý báo chí, cơ quan Công an để xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Doanh thu sụp đổ
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 cũng cho thấy, doanh thu thuần của CRE đạt 53 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 25 tỷ đồng, giảm 94%.
Do doanh số rất thấp, chi phí bán hàng trong quý chỉ 693 triệu đồng, giảm 99%. Cùng với đó, chi phí quản lý cũng giảm 42%, đạt 38 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính trong quý không mang lại thặng dư, do doanh thu chỉ 19 tỷ đồng, (giảm 20%) trong khi chi phí là 22 tỷ đồng (giảm 35%).
Do đó, kết quý I, CRE lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi thuần 182 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thuần thứ hai liên tiếp.
Khoản lãi khác 7,6 tỷ đồng là không đủ để cứu vãn lợi nhuận. Chung cục, CRE lỗ trước thuế 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 181 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ hai liên tiếp của CRE (quý IV/2022 lỗ 58 tỷ đồng).
Về tài sản, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của CRE đạt 7.413 tỷ đồng, giảm 2,6% so với đầu năm. Trong số đó, các khoản phải thu chiếm tới 83%, đạt 6.175 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng, tương đương giảm 3% so với đầu năm. Hàng tồn kho đạt 539 tỷ đồng, tăng 27%, chiếm 7% tổng tài sản. Như vậy, 90% tài sản của CRE là tồn kho và các khoản phải thu.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết quý I/2023 đạt 1.791 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay đạt 1.024 tỷ đồng, tăng 1,8%. Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 16% còn 117 tỷ đồng.
Với vốn chủ sở hữu đạt 5.622 tỷ đồng, tăng thêm 8 tỷ đồng so với đầu năm, hệ số D/E của CRE chỉ là 0,31 lần.
Dòng tiền kinh doanh quý I/2023 của CRE âm 165 tỷ đồng, do tăng tồn kho, giảm các khoản phải trả và chi trả lãi vay. Trong bối cảnh đó, CRE không còn dám chi cho vay, mua công cụ nợ nhiều như năm trước. Ngược lại, công ty tăng thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ để làm dương dòng tiền đầu tư. Qua đó, CRE giảm được áp lực vay mượn so với cùng kỳ, biểu hiện là dòng tiền đi vay giảm 76% xuống chỉ còn 398 tỷ đồng, giúp CRE cân đối dòng tiền thuần trong quý. Đây có thể xem là điểm sáng hiếm hoi của CRE trong quý này.
Hà Lan