Hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt công suất
Hàng loạt các sai phạm liên quan đến khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đất san lấp dự án… vừa qua bị cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh phát hiện, xử phạt đã khiến dư luận băn khoăn về công tác quản lý, giám sát.
23/70 doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt công suất
Không thể phủ nhận nguồn thu từ khai thác khoáng sản đã mang lại rất nhiều lợi nhuận kinh tế cho địa phương, nhưng hệ lụy của việc khai thác ồ ạt, không đúng công suất cho phép… đã trở thành vấn nạn nhức nhối gây bức xúc đối với người dân địa phương.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 70 giấy phép khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp phép đang còn hiệu lực. Qua kết quả kiểm tra rà soát cho thấy, có 23 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khai thác vượt công suất cho phép.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay có 15 mỏ khai thác vượt công suất dưới 15%, trong đó sản lượng khai thác vượt công suất có giá trị dưới 700 triệu đồng có 9 mỏ; từ 700 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng 1 mỏ; từ 1 tỷ đồng trở lên có 5 mỏ. Đặc biệt, có 8 mỏ khai thác vượt công suất từ 15% trở lên, trong đó sản lượng khai thác vượt công suất có giá trị dưới 700 triệu đồng có 3 mỏ.
Hiện nay việc khai thác vượt công suất từ 1 tỷ đồng trở lên có 5 mỏ bao gồm: Mỏ đất phường Kỳ Trinh (thị xã Kỳ Anh) của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vật liệu xây dựng Hồng Hà; mỏ đất xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân) của Công ty CP Xây dựng thương mại - dịch vụ Thái Ngọc; mỏ đất xã Nam Điền (huyện Thạch Hà) của Công ty TNHH Đầu tư An Phúc Lộc; mỏ đất xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) của Công ty CP Cơ giới và Xây dựng 5-3; mỏ đất xã Đức Bồng (huyện Vũ Quang) của Công ty CP Khai thác khoáng sản Vịnh Thắng.
Đối chiếu theo quy định tại khoản 4 Điều 41, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP; sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP thì đối với 8 mỏ khai thác vượt công suất 15% trở lên, thuộc đối tượng phải xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, mỏ đất đồi Lâm Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà của Công ty CP Vận tải và Xây dựng 2/9) năm 2022 khai thác vượt công suất 63% vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 41; mỏ đất san lấp Bắc Sơn 2 (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh) năm 2022 và 2023 khai thác vượt công suất lần lượt là 17%; 79% vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định số 36/2020 NĐ-CP, sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP.
Đối với mỏ đất phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh của Công ty CP Xây dựng – Thương mại tổng hợp Hòa Bình) khai thác ngoài diện tích khoảng 16.897m2, giá trị sản lượng ước tính trên 6 tỷ đồng.
Những hệ lụy
Do nhu cầu xây dựng, san lấp các công trình trên địa bàn tỉnh tăng cao, việc khai thác khoáng sản đất đá, cát sỏi đúng phép và trái phép cũng vì thế mà diễn ra sôi động, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống dân sinh. Bên cạnh một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của pháp luật, còn tồn tại không ít những đơn vị chạy theo lợi nhuận, mà bất chấp mọi hệ lụy có thể gây ra đối với môi trường và đời sống dân sinh.
Từ năm 2022 và 2023, trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều công trình, dự án lớn được triển khai thi công như: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam; dự án đường Hàm Nghi kéo dài; đê Cửa Sót; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II; các khu tái định cư… nên nhu cầu về đất san lấp rất lớn và cấp bách. Trong khi đó, tổng công suất khai thác đất san lấp của 20 mỏ đất trên địa bàn tỉnh là 2.723.156m3/năm dẫn đến nhiều doanh nghiệp bất chấp khai thác vượt công suất cho phép thu lợi bất chính, bất hợp pháp.
Siêu lợi nhuận từ tài nguyên khoáng sản đã khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp tìm cách khai thác khoáng sản không phép, trái phép kéo theo nhiều hệ lụy. Việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, cùng với đó là phá vỡ hệ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường…
Mặc dù đã có nhiều vụ khai thác khoáng sản trái phép bị các cơ quan chức năng phát hiện và rõ ràng các vụ việc trên đã vi phạm Luật Khai thác khoáng sản, Luật Tài nguyên môi trường nhưng vẫn không bị xử lý nghiêm khắc? Trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý trong hoạt động quản lý khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập, đã khiến cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn đất sống?