Hà Nội: Điểm mặt loạt công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại quận Cầu Giấy
Vụ cháy xảy ra mới đây tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) làm 14 người chết gây rúng động cả nước – như một giọt nước tràn ly trong vấn nạn vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đồng thời, gióng lên một hồi chuông cảnh báo, đã đến lúc các cơ quan hữu quan vào cuộc xử lý dứt điểm vấn nạn này.
“Điểm đen” cháy nổ của thành phố
Nhắc tới Cầu Giấy, ai cũng sẽ nghĩ ngay tới một quận cửa ngõ sầm uất của Thủ đô Hà Nội. Quận Cầu Giấy là nơi tập trung hàng loạt trường học, bệnh viện, nhiều chưng cư lớn nhỏ. Bởi vậy, nhu cầu ở trọ, thuê, mua bán chung cư, các dạng nhà ở riêng lẻ nhiều tầng nhiều căn hộ tại Cầu Giấy là vô cùng lớn.
Năm 2023, Cầu Giấy được tuyên dương hoàn thành 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trước cả thời hạn. Cụ thể, giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2023 ước đạt 235.920 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhưng thực tế, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận Cầu Giấy đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy, làm nhiều người thương vong, gây hậu quả đặc biệt nghiệm trọng.
Nặng nề nhất có thể kể đến là vụ cháy ngày 24/5, tại nhà trọ kết hợp kinh doanh xe điện tại số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy). Vụ cháy khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương.
Chỉ một tuần sau đó, một vụ cháy lớn cũng xảy ra tại một quán ăn tầng 2 trên đường Dịch Vọng Hậu khiến nhiều người đang ăn tại đây hốt hoảng bỏ chạy. Vụ cháy dù được phát hiện kịp thời, nhưng rất vất vả lực lượng chức năng mới có thể khống chế. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng nhiều tài sản, nhà cửa đã bị “bà hỏa” thiệu rụi không thương tiếc.
Trước đó, chẳn hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên những hình ảnh đau thương xảy ra trong vụ cháy quán karaoke ISIS số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy) ngày 01/08/2022. Trong vụ việc này, 3 cán bộ, chiến sỹ Đội cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an quận Cầu Giấy) đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Có thể thấy, điểm chung của các vụ cháy nêu trên đều xảy ra ở những nơi tập trung đông dân cư, thiếu các biện pháp thậm chí là vi phạm PCCC. Trong khi, trên thực tế, nhận thức của người dân về PCCC chưa thật sự đầy đủ.
Điểm mặt, chỉ tên loạt dự án vi phạm PCCC
Sau rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra, mới đây, UBND quận Cầu Giấy đã chính thức công bố loạt dự án, chung cơ, cơ sở kinh doanh… vi phạm PCCC trên địa bàn.
Trong bản danh sách 78 cơ sở vi phạm bị “bêu tên”, có rất nhiều doanh nghiệp, dự án nổi tiếng góp mặt như Watermark, AZ Lâm Viên…
Tại phường Dịch Vọng Hậu - nơi xảy ra vụ cháy làm 13 người tử vong, cũng góp mặt tòa chung cư cao cấp Hà Nội Paragon tại địa chỉ lô A3, Khu đô thị mới Cầu Giấy bị đình chỉ ngày 19/12/2023. Khu vực vi phạm có diện tích 684m2 mặt bằng tại tầng hầm B1 khu thương mại từ trục 2C3B/3-5-3-6. Tòa nhà này đã bị cơ quan chức năng xử phạt 90 triệu đồng.
Một dự án vi phạm nổi cộm khác bị quận Cầu Giấy điểm mặt, chỉ tên là tòa nhà Công ty Cổ phần Nam Dược, địa chỉ tại phường Dịch Vọng. Tòa nhà này vi phạm PCCC và bị đình chỉ cuối năm 2022 kèm theo số tiền phạt là 90 triệu đồng. Địa điểm vi phạm này là trụ sở chính và vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Nam Dược.
Ngoài các dự án chung cư, tòa nhà cao cấp, nhiều cơ sở nhỏ hơn như karaoke hay massage cũng bị quận Cầu Giấy liệt vào danh sách vi phạm PCCC.
Mới đây, sau vụ cháy làm 14 người tử vong, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, thống kế trên địa bàn quận có hơn 3.300 cơ sở cho thuê trọ, tăng 213 cơ sở so với năm 2023. Trong đó, phường Mai Dịch có số lượng nhà trọ lớn nhất là 934 cơ sở, phường Trung Hòa (nơi xảy ra vụ cháy làm 14 người tử vong) có 638, phường Quan Hoa 598, phường Yên Hòa 353, phường Dịch Vọng 333, phường Dịch Vọng Hậu 275, phường Nghĩa Đô 137 và phường Nghĩa Tân 60 cơ sở.
Điều đáng nói, trong 78 cơ sở nêu trên, nhiều nơi dù đã bị đình chỉ nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, sản xuất kinh doanh. Những vụ việc thương tâm vừa qua có gióng lên hồi chuông cảnh báo về PCCC trên địa bàn quận Cầu Giấy nói riêng, Hà Nội nói chung hay không? Dư luận đặt câu hỏi, với từng ấy công trình vi phạm, tồn tại dai dẳng nhiều năm, vì sao chính quyền vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.