Hà Nội đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước
Trong thời gian tới, UBND Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài; chú trọng nâng cao trình độ cán bộ xúc tiến đầu tư, tăng cường khả năng xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đó, Để tăng cường số lượng và chất lượng đầu tư nước ngoài, TP. Hà Nội có chủ trương xuyên suốt là đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp. UBND Thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đồng thời, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, dự án phù hợp với mức độ phát triển của thành phố; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư.
Thành phố cũng chú trọng nâng cao trình độ cán bộ xúc tiến đầu tư, tăng cường khả năng xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; tận dụng tối đa các hiệp định thương mại của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, tiếp tục chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan.
Nhằm chuẩn bị sẵn hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư, TP. Hà Nội đã ra quyết định phê duyệt "Đề án thành lập từ 2 đến 5 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025". Các khu công nghiệp dự kiến được thành lập gồm khu công nghiệp sạch Sóc Sơn; khu công nghiệp Đông Anh; khu công nghiệp Bắc Thường Tín; khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng; khu công nghiệp Phụng Hiệp…
Hiện Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng phát triển các cực tăng trưởng mới. Cụ thể, Thành phố trực thuộc phía Bắc sông Hồng trên cơ sở 3 huyện: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn với chức năng chính là thương mại, dịch vụ, đối ngoại và giao dịch quốc tế, tận dụng lợi thế sân bay quốc tế Nội Bài; thành phố trực thuộc phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai với chức năng chính là khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo. Ngoài ra, còn quy hoạch xây dựng sân bay thứ hai ở khu vực phía Nam Thủ đô.
Trong tháng 11/2022, TP. Hà Nội có 42 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 20,7 triệu USD. Tính chung 11 tháng năm 2022, toàn Thành phố thu hút 1.540 triệu USD vốn FDI, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các nước thuộc châu Á có số dự án đầu tư lớn vào Hà Nội như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Còn châu Âu và Mỹ chiếm dưới 10% tổng vốn đăng ký. Những dự án đầu tư nước ngoài vào Thủ đô tập trung ở các lĩnh vực xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông, công nghiệp chế biến, chế tạo...