Giảm số năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm
Luật BHXH hiện hành quy định điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội là 20 năm để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí. Điều này dẫn đến nhiều công nhân, lao động không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.
Vừa qua, trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để người lao động được hưởng lương hưu.
Theo đó, Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Trước những mong muốn giảm số năm đóng bảo hiểm của người lao động, Bộ đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó, sẽ giảm dần xuống 15 năm và tiến tới có thể giảm xuống 10 năm: “Việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐTB&XH chủ trì, hiện đã hoàn tất hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này, chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ”.
Bộ trưởng cũng cho biết: Dự thảo Luật BHXH sửa đổi tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm BHXH với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đồng thời đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Ngoài ra, sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình, nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Hiện nước ta có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.
Đây là tỷ lệ khá thấp. Do đó, để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bên cạnh những kế hoạch điều chỉnh Luật BHXH, sự nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong chi trả của ngành BHXH, thì rất cần sự vào cuộc, chung tay của người dân và các tổ chức chính trị xã hội, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả trong nhận thức của đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động và nhân dân về Bảo hiểm xã hội.
Như vậy, theo dự thảo mới, lao động nam tham gia BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm thì lương hưu cho mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% tiền lương bình quân tháng đóng BHXH. Mức lương hưu với lao động nam thuộc nhóm này dao động từ 33,75% đến 42,75%.
Trường hợp lao động nam đóng BHXH từ 20 năm trở lên thì hưởng lương hưu với mức 45% và cộng thêm 2% cho mỗi năm đóng sau đó. Muốn hưởng tối đa 75%, người lao động phải đóng BHXH đủ 35 năm.
Đối với lao động nữ đóng 15 năm BHXH thì hưởng lương hưu tối thiểu 45% và sau đó cộng thêm 2% cho mỗi năm tham gia. Để hưởng mức tối đa 75%, lao động nữ phải đóng BHXH đủ 30 năm.
Lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thời gian đóng dưới 15 năm (làm công việc nặng nhọc, độc hại; suy giảm khả năng lao động; trường hợp đặc biệt) thì mỗi năm tham gia được tính 2,25%.
So với quy định hiện hành, người lao động vẫn phải đóng BHXH tối đa 30 năm đến 35 năm để được hưởng mức lương hưu cao nhất là 75%.
Tiến Hoàng