Giá lúa gạo hôm nay đồng loạt tăng
Giá lúa gạo hôm nay (7/8) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh với mặt hàng lúa và gạo. Giá gạo tăng 100 đồng/kg với gạo nguyên liệu và thành phẩm, giá lúa tăng nhẹ 100 đồng/kg.
Tại các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay thị trường gạo nhìn chung nguồn về ít, giá tăng nhẹ. Theo đó, tại An Cư (Sóc Trăng), nguồn về ổn định, gạo đẹp giá tăng nhẹ, kho mua ít. Tại An Giang, ít gạo đẹp, giá bình ổn, kho mua khá. Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), giá tăng nhẹ, kho mua ít.
Tại các chợ lẻ, giá gạo ghi nhận không có sự điều chỉnh với các mặt hàng gạo lẻ. Hiện gạo Nàng Nhen có giá niêm yết cao nhất 30.000 đồng/kg; gạo Jasmine 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Nàng hoa 20.000 đồng/kg; gạo tẻ thường dao động quanh mốc 15.000 - 16.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Hương lài 20.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 18.500 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa, ghi nhận tại các địa phương giao dịch lúa cầm chừng, giá lúa tăng nhẹ, nông dân chào giá cao. Tại Long An, vãn đồng nhiều nơi, nhu cầu mua lúa xa ngày. Tại Sóc Trăng, thương lái hỏi mua khá, giá tăng nhẹ. Tại Cần Thơ, nhu cầu hỏi mua lúa Thu Đông nhiều, nông dân chào giá cao.
Theo đó, cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa hôm nay ghi nhận có điều chỉnh so với ngày hôm qua, IR 50404 giá dao động quanh mốc 6.900 - 7.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức giá 7.400 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 giá ở mức 7.000 - 7.200 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 7.600 - 7.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 380 dao động từ 6.800 - 7.000 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 6.900 - 7.000 đồng/kg, và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.
Đề xuất thành lập hội đồng quốc gia về lúa gạo
Chiều ngày 6/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng chủ trì cuộc họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia với các bộ ngành, địa phương, hiệp hội liên quan.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngoài việc khắc phục các hạn chế, Hội đồng lúa gạo sẽ xử lý nhanh chóng các vấn đề thời sự liên quan đến lúa gạo. Hội đồng sẽ họp định kỳ hàng năm nhưng sẵn sàng họp bất thường khi cần thiết.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, ngành lúa gạo Việt Nam đang gặp nhiều vướng mắc như sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, đời sống nông dân còn khó khăn, xuất khẩu gạo phụ thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống.
Bộ trưởng cho rằng gạo nước ta có thể đáp ứng tại các thị trường khó tính hơn, nhưng việc khai thác và quảng bá trong sản xuất và xuất khẩu còn hạn chế, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp chưa hiệu quả, không giữ vững được vị thế do thiếu chiến lược và đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hội đồng sẽ tư vấn cho Chính phủ có những chính sách nhằm tăng giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và hiệp hội, đóng vai trò trung tâm, điều phối các hoạt động.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ để sớm đưa ra quyết định.
Hội đồng lúa gạo quốc gia dự kiến sẽ do một Phó Thủ tướng chủ trì, cùng với 2 Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp làm phó chủ tịch. Đây sẽ là một liên ngành đưa ra các quyết sách quan trọng cho ngành lúa gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Sản lượng lúa năm nay ước đạt 43,4 triệu tấn, giảm nhẹ so với năm 2023. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo vẫn rất khả quan, đạt 5,18 triệu tấn trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tăng 25,1% với giá xuất khẩu bình quân đạt 632,2 đô la Mỹ/tấn.
BN