Gần 1,4 triệu ôtô cá nhân được đề xuất giãn đăng kiểm từ đầu tháng 6
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ ngành về dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 16/2021 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới.
Đề xuất lùi chu kỳ kiểm định
Theo dự thảo sửa đổi, ôtô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải nếu hết hạn kiểm định trong một năm kể từ ngày Thông tư được ban hành sẽ được tự động giãn theo chu kỳ mới. Chủ xe sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm định mà không phải đưa xe đến trung tâm để đăng kiểm lại.
Ví dụ, một ôtô dưới 9 chỗ sản xuất 5 năm, hết hạn kiểm định chu kỳ hiện tại vào ngày 30/6/2024 sẽ được tự động giãn chu kỳ thêm 6 tháng, đến hết 31/12/2024. Lúc này, chủ xe mới phải đưa xe đi kiểm định để tiếp tục một chu kỳ mới.
Với phương tiện có hạn kiểm định trước ngày Thông tư có hiệu lực sẽ không được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới và vẫn phải đến trung tâm đăng kiểm để được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định.
Đề cập dự thảo thông tư chỉ áp dụng cho xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đây là nhóm xe cá nhân, cường độ sử dụng không nhiều, việc chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa của chủ phương tiện tốt hơn so với loại phương tiện kinh doanh. Tỷ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất của nhóm này cao, khoảng 95% tổng số xe. Điều đó cho thấy không cần thiết kiểm định lại xe trước khi giãn chu kỳ mà vẫn đảm bảo yêu cầu an toàn.
Nhóm xe dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hàng tháng chiếm 33-43% tổng số phương tiện đến hạn kiểm định, tập trung tại Hà Nội và TP HCM. Việc tự động giãn chu kỳ, chủ không phải đưa xe đi kiểm định sẽ giúp giảm tải cho các trung tâm đăng kiểm.
Nhóm xe chở người trên 9 chỗ có thời gian sản xuất đến 5 năm, ôtô tải các loại, ôtô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên cũng trong diện được kéo dài chu kỳ đăng kiểm. Tuy nhiên, nhóm này có cường độ sử dụng nhiều, cần được kiểm định trước khi kéo dài chu kỳ. Theo thống kê, tỷ lệ đạt kiểm định từ lần thứ nhất đối với nhóm xe này thấp, có thời điểm chỉ đạt 67%.
Để phục vụ các xe tự động giãn chu kỳ kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng phần mềm, thuê đường truyền và hạ tầng công nghệ thông tin để tra cứu và in Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định để chủ xe sử dụng cùng với Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đã cấp trước đó khi tham gia giao thông.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết việc phương tiện được tự động áp dụng chu kỳ thêm 6 tháng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, việc này sẽ giải quyết căn bản thực trạng ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới hiện nay, đáp ứng nhu cầu đăng kiểm của người dân, doanh nghiệp.
Theo Thông tư số 2/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, xe chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải sản xuất đến 7 năm được miễn đăng kiểm trong 36 tháng (trước đây là 30 tháng), chu kỳ kiểm định định kỳ là 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây); xe sản xuất từ 7 đến 20 năm (trước đây là 12 năm) chu kỳ định kỳ 12 tháng; xe trên 20 năm chu kỳ là 6 tháng. Chủ xe phải đưa xe đi kiểm định trước khi xác nhận sang chu kỳ đăng kiểm mới.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, có gần 1,4 triệu ôtô đến 9 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải dự kiến được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng trong trường hợp dự thảo nói trên được thông qua. Như vậy, các đơn vị đăng kiểm sẽ có thể tập trung thời gian và nguồn lực để kiểm định cho các xe kinh doanh vận tải và các phương tiện khác đã hết hạn đăng kiểm nhưng chưa được kiểm định.
Ùn tắc đăng kiểm cũng là nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế
Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ ngày 25/5 về tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, tình trạng ùn tắc đăng kiểm phương tiện giao thông cũng là một trong những nguyên nhân kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Hoạt động vận tải đường bộ bị đình trệ, doanh nghiệp vận tải gặp không ít khó khăn, như tại TP.HCM, có nhiều người dân và doanh nghiệp xếp hàng một tháng nhưng vẫn không đăng kiểm được. Do vậy, việc Nhà nước gia hạn đăng kiểm là cần thiết nhưng công việc này cần được tiến hành từ phía cơ quan Nhà nước , chứ không phải từ phía người dân và doanh nghiệp phải đi làm thủ tục gia hạn đăng kiểm.
“Do việc chấp hành quy định của các trung tâm đăng kiểm chưa nghiêm, không lưu trữ đầy đủ thông tin về phương tiện, khiến công tác quản lý Nhà nước khó khăn. Vì vậy đã chuyển việc gia hạn đăng kiểm cho người dân và doanh nghiệp, như vậy không phù hợp với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đánh giá năng lực phản ứng chính sách cũng rất cần được quan tâm, khi phát hiện vấn đề đòi hỏi của xã hội cần được giải quyết rất nhanh và hiệu quả. Đại biểu lấy ví dụ tình trạng ùn tắc đăng kiểm thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, mà còn gây thiệt hại đối với doanh nghiệp, hệ quả là thiệt hại cho nền kinh tế và xã hội. Đơn cử, các hãng taxi không đăng kiểm được, đồng nghĩa với việc không thể kinh doanh và không tạo ra của cải cho xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; điều này cũng xảy ra tương tự đối với các doanh nghiệp vận tải khác.
Mặc dù chúng ta đã phát hiện ra vấn đề nhưng việc xử lý chưa kịp thời, chưa hợp lý. Đại biểu cho biết đôi khi việc giải quyết vướng mắc này lại tạo thêm thủ tục hành chính khác. Việc gia hạn đăng kiểm xe ô tô được kỳ vọng thực hiện chủ động, tự động từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và người dân không cần phải thực hiện bất kỳ hành động nào. Bởi cơ quan đăng kiểm của Nhà nước đã có đầy đủ thông tin về ô tô đang lưu hành, có thể gửi tin nhắn thông báo đến các chủ xe đủ điều kiện gia hạn đăng ký xe, nhưng trên thực tế việc gia hạn lại tạo thêm thủ tục, đó là yêu cầu người dân và doanh nghiệp đi đăng ký để được gia hạn đăng kiểm. Như vậy, theo đại biểu, cách giải quyết này là chuyển từ thủ tục này sang thủ tục khác, chuyển từ tắc nghẽn này sang tắc nghẽn khác, tạo ra chi phí không cần thiết trong xã hội.
Anh Thư