Điện thoại sóng 2G sẽ chính thức "vô hiệu hóa" vào ngày mai 15/10
Từ ngày mai 15/10, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ 2 chiều (bao gồm nghe và gọi) đối với các thuê bao còn sử dụng mạng 2G Only.
Hơn 770 nghìn thuê bao sẽ bị khóa vào ngày mai
Theo Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến hết ngày 15/10, các nhà mạng sẽ chính thức dừng công nghệ 2G. Các thuê bao đang sử dụng thiết bị 2G only (chỉ hỗ trợ băng tần 2G) sẽ bị khóa hai chiều, không thể tiếp tục sử dụng.
Thống kê của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đến ngày 8/9/2024, số thuê bao của các nhà mạng còn khoảng 3,4 triệu thuê bao 2G Only. Tính đến ngày 10/10/2024 chỉ còn 771.072 thuê bao 2G Only trước giờ tắt sóng 2G.
Đây là một kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự nghiêm túc của các doanh nghiệp di động, để thực hiện kế hoạch dừng công nghệ 2G. Lý giải con số thuê bao 2G còn lại, các nhà mạng cho biết đây là nhóm đối tượng ở khu vực vùng sâu xa hoặc có ít hành vi sử dụng nên rất khó liên lạc.
Kể từ thời điểm 15/10/2024, theo đúng quy định sẽ phải dừng cung cấp dịch vụ hai chiều gọi đến và gọi đi với các thuê bao và sẽ không gia hạn. Công nghệ 2G đã sử dụng được 30 năm, nhiều thiết bị mạng lưới chất lượng đi xuống, ngốn điện, thiếu ổn định, việc thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng.
Phần lớn thuê bao trên mạng lưới hiện nay là 4G, được các nhà mạng triển khai từ năm 2016 và các nhà mạng đang triển khai công nghệ 5G tại các thành phố lớn, khu công nghiệp.
Đầu tháng 7, Bộ TT&TT đã ban hành công văn thông báo về lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 2 năm.
Ban đầu, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng lên kế hoạch sẽ tắt sóng 2G từ ngày 15/9. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BTTTT vào ngày 13/9, có nội dung kéo dài thời hạn cung cấp dịch vụ 2G Only thêm một tháng (tức ngày 15/10).
Công nghệ 2G không còn phù hợp
Công nghệ 2G đã sử dụng được 30 năm, nhiều thiết bị mạng lưới chất lượng đi xuống, ngốn điện, thiếu ổn định, do đó thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng. Đây là sự đồng thuận và thực tế đòi hỏi của sản xuất kinh doanh.
Sự thích ứng và liên tục cập nhật các công nghệ mới đã biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển sôi động và mạnh mẽ.
Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G thành công. Đến thời điểm hiện tại, mạng 5G cũng đang được các nhà mạng tích cực mở rộng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Đứng trước bối cảnh mới, bài toán về việc tắt sóng 2G để tối ưu việc quy hoạch tần số, tối ưu hạ tầng mạng lưới và tối ưu chi phí cũng được đặt ra, đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, đưa người dân bước lên môi trường số.
Việc lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh (smartphone) đến từng người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn.
Việc 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Anh Thư