"Cơn sốt" lãi suất bắt đầu hạ nhiệt
Dù lãi suất đầu vào khiến mức chi phí tăng mạnh, nhưng để kích cầu tín dụng cuối năm nhiều ngân hàng quyết định giảm lãi suất cho vay.
Ngân hàng rục rịch giảm lãi suất
Sáng nay (ngày 5/12), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông tin sẽ giảm lãi suất vay 1%/năm đối với khách hàng. Cụ thể, kể từ ngày 6/12/2022 đến 31/1/2023, cá nhân và doanh nghiệp hiện đang có khoản vay và có giao dịch chính tại ACB (bao gồm giao dịch tài khoản, thẻ tín dụng, thanh toán quốc tế và bảo lãnh) sẽ được giảm 1%/năm cho lãi vay. Mức giảm lãi suất vay này cũng được áp dụng cho khách hàng đang có khoản vay đến kỳ tái định lãi suất và khoản vay giải ngân mới.
Đối với khách hàng mới chọn ACB làm ngân hàng giao dịch chính trong hoạt động kinh doanh và đang có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh thời điểm cuối năm, ACB cũng chuẩn bị một hạn mức tín dụng 4.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi giảm 1%/năm để giải ngân cho các khoản vay. Đồng thời với hỗ trợ lãi vay, ACB còn áp dụng chính sách miễn phí giao dịch tài khoản trên Ngân hàng số ACB One; gói phí thanh toán quốc tế giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí; hoàn tiền 2 - 10% khi sử dụng các loại thẻ tại ACB…
Trước đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng đã công bố giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam tại thời điểm 30/11/2022 nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.
Ước tính trong năm 2022, Agribank tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho 2,2 triệu khách hàng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là ngân hàng đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Vietcombank giảm đồng loạt lãi suất tới 1%/năm với các khoản vay bằng đồng Việt Nam cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11/2022 đến hết 31/12/2022.
Đáng chú ý, Vietcombank sẽ chủ động giảm lãi suất mà khách hàng không cần phải đề nghị, tiết giảm tối đa chi phí và thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách lãi suất đồng đều đến tất cả các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Không riêng Agribank hay Vietcombank, Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng giảm mạnh lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Số tiền giảm lãi suất ước tính lên tới 120 tỷ đồng.
Câu chuyện lãi suất vẫn là vấn đề nóng của thị trường
Chia sẻ về những khó khăn trong việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, ông Masataka Sato - Giám đốc kế hoạch và Chiến lược Tập đoàn Kangaroo cho biết, hiện nay không chỉ Việt Nam mà các nước khác trên thế giới đều đang phải đối mặt với tình trạng lãi suất vốn vay liên tục tăng, tình hình lạm phát cao. Cùng với đó, rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc huy động vốn, Kangaroo không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ và hợp tác với ngân hàng, nên Kangaroo luôn nhận được sự giải ngân vốn kịp thời, đúng thời điểm. Nguồn vốn vay được Kangaroo sử dụng hiệu quả để đầu tư cho các lĩnh vực kinh doanh hiện có và lĩnh vực kinh doanh mới của tập đoàn, đầu tư cho việc phát triển sản phẩm mới, mua nguyên vật liệu, đầu tư nhà máy mới cũng như các trang thiết bị khác...
Nhận định về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023, ông Masataka Sato cho rằng, năm 2023 tình hình kinh doanh sẽ vẫn tiếp tục gặp phải những khó khăn như năm 2022 và nguồn vốn vẫn là yếu tố quyết định cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Với thực tế trên, có thể thấy, câu chuyện thanh khoản và lãi suất ngân hàng đang là vấn đề rất nóng bỏng trên thị trường tài chính hiện nay. Do đó, việc các ngân hàng giảm lãi cho vay đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã mang đến những giải pháp góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế. Cùng với cuộc họp toàn hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam như nói trên, thị trường kỳ vọng sẽ xuất hiện đợt giảm lãi suất diện rộng trong thời gian tới.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính cũng cho rằng, lãi suất ngân hàng tăng cao về lâu dài sẽ làm gia tăng chi phí vốn của doanh nghiệp, chi phí sản xuất tăng cao, gây áp lực lên lạm phát, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định các bước điều chỉnh lãi suất mỗi lần 1 điểm % như vừa qua đã đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch, là phù hợp với xu hướng toàn cầu, lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn ngân hàng, ổn định tỷ giá.
"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ", ông Hà cho hay.