Chính quyền cần chủ động đặt hàng cơ quan báo chí
Với cơ chế "đặt hàng", chính quyền sẽ chủ động hơn trong việc tiếp thu nhiều luồng ý kiến thông qua báo chí để xây dựng những chính sách, cơ chế hiệu quả cho sự phát triển. Điều này cũng sẽ tạo thêm nguồn thu cho cơ quan báo chí trong thời điểm hiện nay.
Thực hiện tự chủ tài chính với cơ quan báo không phải đến bây giờ mới diễn ra, trên thực tế những năm qua nhiều cơ quan báo chí đã độc lập về tài chính, nhưng trong điều kiện rất khó khăn (chưa được nhà nước hỗ trợ, đặt hàng…). Vì thế để báo chí thực hiện tự chủ được một cách đúng hướng, rất cần có “cơ chế đặt hàng” đủ mạnh của Nhà nước.
Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng với Hội Nhà báo Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, chỉ thị số 07 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, truyền thông chính sách là một chức năng của chính quyền các cấp. Vì vậy, chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy và bố trí ngân sách thường xuyên để làm công tác truyền thông, đặt hàng các cơ quan báo chí.
Theo Bộ trưởng Hùng, thay đổi nhận thức này có ý nghĩa quan trọng sẽ thay đổi căn bản truyền thông chính sách. Bộ đang sửa văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí, nhất là nghị định, thông tư về nhuận bút, định mức kinh tế kỹ thuật sao cho phù hợp với thị trường.
Bộ trưởng Bộ TT&TT đề nghị, Thủ tướng quan tâm đầu tư vào nền tảng cho báo chí, tăng đầu tư cho cơ quan báo chí, bởi “không có vũ khí thì không thể chiến đấu”.
Bộ trưởng cho hay, hiện nay, chi thường xuyên cho báo chí thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng chỉ dưới 0,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không có hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Theo Bộ trưởng, quan tâm đến báo chí nước nhà thì cần cả hệ thống chính trị, cả về con người, cả về kinh tế báo chí.
“Chúng tôi mong muốn, Thủ tướng chỉ đạo chính quyền các cấp tăng thêm 30% ngân sách đặt hàng báo chí, tăng từ dưới 0,5% lên ít nhất 0,65% chi ngân sách thường xuyên”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.
Theo khảo sát của Cục Báo chí, doanh thu báo chí ghi nhận có sự sụt giảm mạnh dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên. Nắm bắt số liệu của 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch Covid-19, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020; tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.
Theo Cục Báo, việc khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan nhà nước cũng là một trong những phương thức hiệu quả giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
H.A