Cảng hàng không Việt Nam (ACV) : Hưởng lợi từ sự phục hồi đường bay quốc tế
Khối phân tích Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, tăng trưởng khách nội địa năm 2022 không đáng kinh ngạc nhưng cho thấy nhu cầu đi lại trong nước đã tăng hợp lý với mức tăng trưởng tự nhiên bền vững tiềm năng
Theo VNDirect, trong giai đoạn 2017-2019, lượng hành khách nội địa đã tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 9,4%, có thể coi đây là mức tăng trưởng tự nhiên của lượng hành khách nội địa, đến từ tăng trưởng thu nhập và điều kiện về nhân khẩu học của Việt Nam. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam. Tăng trưởng bị gián đoạn và ngành bước vào giai đoạn khó khăn trong 2020-2021.
Kể từ quý II/2022, việc bao phủ vắc xin trên toàn quốc đã giúp Việt Nam kiểm soát đại dịch và ngành hàng không trong nước bắt đầu phục hồi, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tiếp nối đà tăng trưởng trong 9 tháng năm 2022 và tiềm năng tăng trưởng tự nhiên của hàng không nội địa, đơn vị phân tích Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng lượng khách nội địa năm 2022 sẽ tăng 231,2% svck và tăng 30,9% so với năm 2019, duy trì mức tăng trưởng kép 9,4% trong giai đoạn 2017-2022.
Khối phân tích cho rằng tăng trưởng khách nội địa năm 2022 không đáng kinh ngạc nhưng cho thấy nhu cầu đi lại trong nước đã tăng hợp lý với mức tăng trưởng tự nhiên bền vững tiềm năng. Trong giai đoạn 2023-2025, kỳ vọng tăng trưởng hàng không trong nước có thể chậm lại một chút với CAGR 8,9% do người dân có thể đi du lịch nước ngoài dễ dàng hơn, và nhiều sân bay lớn trong nước quá tải.
Sự phục hồi của du lịch nước ngoài của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yêu cầu nhập cảnh của các nước. Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến kiểm soát Covid-19, tuy nhiên, yếu tố tiêu cực nhất đối với sự phục hồi du lịch Việt Nam là chính sách zero-covid của Trung Quốc, khiến cho việc du lịch đến và đi từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế nghiêm ngặt:
Trong kịch bản cơ sở, hàng không giữa Việt Nam và ĐNA sẽ phục hồi mạnh từ Q3/2022 do xúc tiến du lịch đã được triển khai, tiếp theo là Hàn Quốc, châu Âu, Nhật, Mỹ và Ấn Độ trong Q4/2022, quảng bá du lịch Đài Loan và Nga có thể được triển khai trong Q1/2023, quảng bá du lịch Trung Quốc có thể được triển khai trong Q3/2023. Do đó, tổng khách quốc tế từ thị trường ĐNA có thể phục hồi trở lại mức trước đại dịch trong Q1/2023, tiếp theo là Hàn Quốc, châu Âu, Nhật, Mỹ trong Q2/2023, Đài Loan và Nga trong Q3/2023 và Trung Quốc trong Q1/2024.
Mặt khác, lượng khách quốc tế của Việt Nam đạt 12,5 triệu khách trong năm 2022 (so với 0,5 triệu khách trong năm 2021) và có thể tăng 195,2% svck trong năm 2023 - bằng 88,5% mức trước đại dịch. Do hoạt động của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có độ phụ thuộc lớn với hàng không quốc tế nên chúng tôi tin rằng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường quốc tế. Theo dự báo của chúng tôi, lượng khách quốc tế của Việt Nam có thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong năm 2024 (bằng 105,2% mức 2019) và có thể đạt 118,9% mức 2019 trong năm 2025.
Trong quý III/2022, Doanh thu của ACV tăng 10,3 lần svck nhờ hàng không nội địa hồi phục mạnh mẽ với sản lượng khách nội địa trong kỳ tăng 87 lần so với cùng kỳ và bằng 154,7% mức trước dịch. Nhờ hoạt động cốt lõi phục hồi mạnh, ACV ghi nhận 2.380 tỷ lợi nhuận gộp so với 1.004 tỷ lỗ gộp so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tài chính tăng 97,8% nhờ lãi tỷ giá 471 tỷ (so với 16 tỷ trong Q3/21).
Kết quả là ACV ghi nhận 2.118 tỷ Lợi nhuận ròng trong so với lỗ ròng 767 tỷ trong cùng kỳ năm trước. So sánh với quý trước, lợi nhuận ròng quý III/2022 giảm 10,9% do lãi tỷ giá thấp hơn. Loại đi khoản thu nhập tài chính bất thường này, lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi trong kỳ tăng 44% so với quý trước, cho thấy hoạt động cốt lõi của ACV đang trên đà hồi phục mạnh. Trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận ròng ACV tăng 30 lần svck, cao hơn kỳ vọng mà đơn vị phân tích Công ty chứng khoán VNDirect đưa ra do lãi tỷ giá cao và hoàn thành 99,8% dự phóng cả năm.
Đối với cổ phiếu ACV, tiềm năng tăng giá được đơn vị phân tích nhận định nhờ hàng không quốc tế hồi phục mạnh mẽ, kế hoạch chia cổ tức được thông qua. Bên cạnh đó, đối với rủi ro tăng giá gồm kế hoạch niêm yết trên HSX được thông qua. Rủi ro giảm giá do bất ổn từ chính sách zero-Covid của Trung Quốc, đồng Yên mạnh hơn dự kiến, đồng USD và lãi suất USD tăng cao hơn dự kiến và xây dựng sân bay Long Thành bị chậm tiến độ.