Bộ trưởng Tài chính nói gì khi chậm hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp?
Bộ trưởng Tài chính cho biết, đã có bài học đau xót trong hoàn thuế. Nếu trong luật thuế nói hoàn thuế mà chỉ xác minh người bán cuối cùng, cán bộ thuế không vi phạm thì chúng tôi thực hiện ngay.
Văn bản bất cập, nhưng không sửa
Phát biểu tại Hội trường sáng nay (2/11), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) dành toàn bộ thời gian để nhắc đến những ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng phải bức xúc gửi đơn thư kêu cứu.
Đây cũng là nội dung mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Tài chính – Ngân sách thực hiện giám sát chuyên đề.
Mặc dù đồng thuận với những cố gắng lớn của ngành thuế trong phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận hoá đơn, gian lận hoàn thuế VAT, song bà Hà đã nhắc đến những doanh nghiệp phải đóng cửa, máy móc trang thiết bị đầu tư nhiều tỷ đồng phải phủ bạt để không; đơn hàng bị hủy bỏ; nợ quá hạn tại ngân hàng phát sinh; người lao động mất việc làm; giá nguyên liệu đầu vào thấp, người dân bị thiệt hại…
“Những quy định bất cập của ngành thuế đã khiến các doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do đứt gãy dòng tiền hoàn thuế VAT”, đại biểu Hà phát biểu tại Hội trường Quốc hội.
Điều đáng nói là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế VAT nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã có chỉ đạo.
“Tuy nhiên, văn bản của Tổng cục Thuế đã ban hành trước đó, có bất cập, nhưng không có chỉnh lý, thu hồi, nên các địa phương đang áp dụng khác nhau, địa phương thì giải quyết hoàn thuế, địa phương thì không giải quyết hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp”, bà Hà nhấn mạnh.
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cũng nhận định, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn, trong đó có nỗi khổ của doanh nghiệp bị giam tiền hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn thì chẳng biết kêu ai.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, hoàn thuế là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng việc hoàn thuế có trường hợp rất chậm. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ. Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của đánh giá, tính thủ công về nghiệp vụ, sự phức tạp, chồng chéo của các văn bản cùng việc thiếu tiêu chí về phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế đã gây ách tắc lớn cho doanh nghiệp.
“Trên thực tế, có doanh nghiệp đã phải than thở rằng, doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì bị xử lý nghiêm. Nhưng doanh nghiệp bị nợ đọng vốn xây dựng cơ bản và bị giam tiền thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn thì chẳng biết kêu ai”, bà Hoa cho biết, đồng thời đề nghị “Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân và có những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên”.
Hoàn thuế VAT sai đã có bài học rất đau xót
Báo cáo giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay đã hoàn được 92%, chỉ còn giải quyết 14.857 hồ sơ, đang giải quyết 534 hồ sơ, 9.154 tỷ đồng nữa.
Theo Bộ trưởng, điều kiện hoàn thuế là phải có hóa đơn giá trị gia tăng, có chứng từ chuyển tiền; đối với các công ty xuất nhập khẩu thì có thêm chứng từ chuyển tiền hợp đồng để chuyển tiền hàng hóa và tờ khai hải quan.
“Một số vướng mắc chúng tôi đã xác minh ở nước ngoài là cơ quan thuế của nước ngoài bảo không tồn tại doanh nghiệp này, có nghĩa là hợp đồng bị vô hiệu, mà hợp đồng vô hiệu thì không hoàn được”, ông Phớc giải thích.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng nói, đã có bài học đau xót trong hoàn thuế. Chẳng hạn, chỉ riêng việc hoàn thuế liên quan đến Thủ Đức House , Cục Thuế TP.HCM có 18 người đi tù.
Nếu trong luật thuế nói hoàn thuế mà chỉ xác minh người bán cuối cùng, cán bộ thuế không vi phạm thì chúng tôi thực hiện ngay, còn luật thuế quy định nếu hoàn trước, kiểm tra sau là 6 ngày, kiểm tra trước, hoàn sau là 40 ngày, chúng tôi phải chấp hành, ông Phớc giải trình.
Cũng liên quan đến thuế VAT, từ phiên thảo luận về kinh tế, xã hội cho đến thảo luận về ngân sách, một số đại biểu đề nghị giảm từ 10% xuống 8% có thời hạn cho toàn bộ hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng, phát triển sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phát triển nguồn thu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc này phải thực hiện theo đúng Nghị quyết 43 nên một số ngành nghề không được giảm, như kinh doanh tài chính, viễn thông, chứng khoán, ngân hàng… “Rõ ràng nếu giảm nhiều quá cũng gây áp lực lên ngân sách”, ông Phớc nói.
Quan điểm của một số đại biểu là giảm chi thường xuyên cũng được Bộ trưởng hồi âm, song ông Phớc cho biết, quan điểm của ông ngược lại, tức là phải giảm chi đầu tư, phải tiết kiệm trong đầu tư, đầu tư không được để lãng phí, đầu tư là phải có hiệu quả, đầu tư không được để thất thoát.
“Còn chi thường xuyên, chúng tôi tính toán có những bộ, ngành riêng tiền lương, phụ cấp lương chiếm trên 66%, không có gì để tiết kiệm. Bây giờ bộ, ngành tiếp khách rất ít, đi công tác cũng ít, cho nên cũng không nên đặt vấn đề này nhiều. Còn đại biểu nào muốn chúng tôi sẽ chi tiết cho các đồng chí một số bộ ngành để thấy rằng chúng ta rất tiết kiệm trong vấn đề chi thường xuyên, chủ yếu là phục vụ cho con người, lương và phụ cấp lương là chính”, Bộ trưởng phát biểu.
Anh Thư