Bộ Tài chính dự kiến đưa Game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Trò chơi điện tử trên mạng (game online) là loại hình giải trí gắn với sự phát triển của Internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và người chơi với máy chủ của doanh nghiệp qua máy tính cá nhân, máy chơi game, thiết bị di động.
Hiện nay, hơn 50% tựa game trên điện thoại được chơi nhiều nhất đến từ Việt Nam, 50% xưởng game lớn tại Châu Á - Thái Bình Dương và Australia thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam, 1/12 game tải trên kho ứng dụng là của Việt Nam. Hiện nay, kinh doanh Game online đang mang lại doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với các mặt hàng và loại hình kinh doanh khác. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung Game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo đó, Bộ Tài chính đánh giá ngành này có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Bộ thấy cần thiết nghiên cứu tính thuế tiêu thụ đặc biệt với game online để định hướng tiêu dùng.
Ngoài game online do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, người chơi hiện nay cũng có thể chơi các game do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào Việt Nam và thanh toán qua cổng thanh toán, thẻ cào điện thoại, thanh toán trực tiếp qua ngân hàng, thẻ tín dụng.
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online từng được thảo luận tại Thường vụ Quốc hội từ năm 2014 nhưng sau đó không được Chính phủ đưa vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều ý kiến khi đó lo ngại việc áp thuế làm hạn chế năng lực cạnh tranh trong nước khi sản phẩm nội chưa phát triển để thay thế nguồn trò chơi ngoại nhập.
Hiện, thế giới có khoảng 3 tỷ người chơi game và đến năm 2030 con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 tỷ người. Game là ngành công nghiệp có trị giá gần 200 tỷ USD với mức tăng trưởng hàng năm là hai con số.
Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng quy định rõ về lĩnh vực kinh doanh game online. Ngoài việc sử dụng phần mềm trò chơi do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam) thì người chơi còn có thể chơi các trò chơi do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam và thanh toán tiền thông qua các hình thức như thanh toán thông qua cổng thanh toán của Google, Facebook; thanh toán bằng thẻ cào điện thoại; thanh toán trực tiếp qua ngân hàng; thanh toán bằng thẻ tín dụng; thanh toán bằng SMS...
Theo báo cáo của App Annie năm 2020, Việt Nam có 5 đại diện trong top 10 nhà phát hành game lớn nhất khu vực Australia, New Zealand và Đông Nam Á. Các công ty game Việt Nam cũng đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng lượt game được tải nhiều nhất thế giới. Cứ 25 game được tải, có một game do công ty Việt Nam sản xuất.
Tiến Hoàng