Bộ Công Thương nói gì về nguy cơ thiếu điện?
Bộ Công Thương cho rằng, từ nay đến cuối năm 2023 cơ bản sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong nước.
Từ nay đến cuối năm 2023, cơ bản sẽ không thiếu điện
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra vào chiều tối ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin thêm về nguy cơ thiếu điện, cũng như các giải pháp nhằm cung ứng đủ điện cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê, nhu cầu điện phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của người dân tăng trong 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia tháng 6/2023 ước đạt 25,323 tỷ kWh, cao hơn 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 136,090 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), cao hơn 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tình hình sản xuất và cung ứng điện toàn hệ thống trong 4 tháng đầu năm 2023 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước.
Tuy nhiên, tình hình cung cấp điện từ tháng 5 và tháng 6 gặp nhiều khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu tiêu thụ điện tăng, tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, cùng với các khó khăn trong vận hành, sửa chữa các nhà máy điện đã ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện.
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải thực hiện tiết giảm điện tại một số địa phương, đặc biệt là các địa phương khu vực phía Bắc", Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Trong tháng 6, đặc biệt 10 ngày cuối tháng, lưu lượng nước về các hồ thủy điện có cải thiện, mực nước các hồ đã được nâng lên, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục kịp thời và vận hành trở lại; đồng thời với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, hệ thống điện miền Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Bước sang tháng 7, công tác vận hành hệ thống điện dự kiến vẫn còn có những khó khăn, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng, trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.
"Tuy nhiên, căn cứ tính toán cập nhật về kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới và việc triển khai hiệu quả các giải pháp nêu trên, chúng tôi cho biết nếu không có yếu tố quá bất thường (thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, nhiều sự cố của các nhà máy điện lớn đồng thời xảy ra…), thì từ nay đến hết năm 2023 cơ bản sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn cả nước", ông Thắng cho biết.
Chấn chỉnh họat động đầu tư phát triển điện mặt trời
Về giải pháp thời gian tới, theo Thứ trưởng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong tháng 7 và những tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi sát sao tình hình vận hành của hệ thống điện. Bộ Công Thương đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể.
Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023.
Đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống khó khăn trong hệ thống điện, trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, chỉ đạo; phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.
Thứ trưởng Bộ Công thương nêu rõ 4 giải pháp cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo cung ứng đủ điện trong thời gian tới.
Thứ nhất, cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện; tăng khả dụng, hạn chế tối đa sự cố, nhanh chóng khắc phục các sự cố (nếu có).
Thứ hai, vận hành hợp lý nguồn thủy điện.
Thứ ba, làm tốt công tác tiết kiệm điện, trong đó vai trò của các UBND các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đầu mối là các Sở Công Thương.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng thông tin thêm về vấn đề cơ chế mua bán điện mặt trời áp mái đang được Bộ xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
"Hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ, ngành - trong đó có Bộ Công Thương - và các địa phương rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để đảm bảo phát triển điện mặt trời mái nhà bền vững, tuân thủ đúng quy định của pháp luật", ông Thắng thông tin.
Về chủ trương chung đối với phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng và điện mặt trời tự sản tự tiêu, tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) nêu rõ mục tiêu:
"Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp".
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Trần Hồng Hà, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 74/BC-BCT ngày 13/6/2023 trình Thủ tướng Chính phủ về Dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã có Công văn số 3750/BCT-ĐL ngày 16/6/2023 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các đơn vị liên quan để lấy ý kiến đối với Dự thảo.
"Hiện nay chúng tôi đã nhận được một số ý kiến góp ý. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu các góp ý này, với tinh thần cầu thị, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Quyết định để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định", ông Thắng cho biết.
Hồng Quang