Bình Dương: Phấn đấu hoàn thành tăng trưởng ngành công nghiệp
Ngoài việc tạo đà tăng trưởng các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bình Dương xác định ngành công nghiệp là động lực tăng trưởng kinh tế.
Cùng với việc tích cực lấy lại đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022.
Theo nhận định từ Bộ Công Thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gặp không ít thách thức. Trong đó, giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá dầu tăng cao trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính cho sản xuất và tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước, ảnh hưởng đến kích cầu tiêu dùng đối với thương mại.
Hơn nữa, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng tại nhiều quốc gia khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao ở hầu hết quốc gia, là những thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.
Nhận định về tình hình xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, trong bối cảnh đồng USD tăng giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sẽ được lợi về giá bán. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo được đơn hàng ổn định. Đó cũng là bài toán với nhiều doanh nghiệp dệt may thời điểm này khi đơn hàng chững lại do lạm phát, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng giảm trên thế giới.
Hai tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp ngành công nghiệp Bình Dương đang tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng theo kế hoạch. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp nhiều yếu tố bất lợi như: Lạm phát, đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, nhu cầu thị trường sụt giảm đang tác động mạnh hơn lên cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có quy mô lớn thuộc các ngành giày da, may mặc, sản xuất sản phẩm gỗ, đã điều chỉnh quy mô sản xuất, cho công nhân làm việc luân phiên, nghỉ ngày thứ bảy và chủ nhật do chưa có nhiều đơn hàng mới.
Trong đó, dệt may và da giày là 2 ngành sản xuất bị ảnh hưởng nhiều nhất, sản xuất giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu nhập của nhiều lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may, giày dép trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang cố gắng duy trì sản xuất để giữ chân công nhân, vượt qua khó khăn, tìm cơ hội phát triển.
Về vấn đề này, bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương chia sẻ, mùa sản xuất cuối năm 2022 của ngành da giày đang bị ảnh hưởng bởi suy giảm toàn cầu nên đơn đặt hàng rất ít. Hiện đơn hàng cho mùa sản xuất đầu năm sau rất hiếm hoi. Hy vọng tình hình kinh tế thế giới sớm phục hồi và ngành giày dép sôi động trở lại.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cho biết, trong gần 3 năm qua, doanh nghiệp sản xuất giày dép gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu, nhưng đã “lội ngược dòng” để vượt qua và bứt phá. Hiện đang là thời điểm khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp điều chỉnh lại hoạt động sản xuất, đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm cách thúc đẩy, chủ động nguyên phụ liệu trong nước để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tập trung khai thác các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do để hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Tương tự, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022, sản xuất dần phục hồi, doanh nghiệp chưa kịp mừng thì tiếp tục rơi vào khó khăn. Với những khó khăn chung của kinh tế thế giới, những tháng cuối năm 2022 ngành gỗ cũng đối mặt với những thách thức lớn. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn chi phí đầu vào như: Xăng dầu, logistics, các loại hóa chất sơn phủ sản phẩm… kéo theo giá thành sản phẩm rất cao. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đã chủ động lên các phương án dự phòng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại, tận dụng các thời cơ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Trước tình hình trên, tỉnh Bình Dương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối thị trường do Bộ Công thương tổ chức. Qua đó, các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường đối tác, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, diễn biến bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới làm lạm phát toàn cầu tăng cao, tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia chậm lại, suy giảm nhu cầu tiêu dùng của hầu hết các quốc gia đã tác động đến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ quý III, quý IV, dự kiến tiếp tục gặp khó khăn trong quý I-2023 và thời gian tiếp theo.
“Để hoàn thành tốt nhất những mục tiêu đề ra trong bối cảnh khó khăn chung, Sở Công thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, tập trung rà soát và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các ngành sản phẩm, dự án sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Sở Công thương phối kết hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hội chợ, hội thảo để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước, đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp… Từ đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại, đóng góp tích cực vào tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh, nhất là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động”, ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết.
Vũ Thanh