11 tháng đầu năm 2023 BSR sản xuất đạt 6,7 triệu tấn sản phẩm, vượt 31% kế hoạch năm
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2023 với tổng sản phẩm sản xuất đạt 6,7 triệu tấn, vượt 31% kế hoạch năm.
Theo đó, hết tháng 11/2023, Công ty sẽ sản xuất khoảng 6,7 triệu tấn sản phẩm, đạt 131% kế hoạch năm; tổng doanh thu ước đạt 133,4 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 15.163 tỷ đồng.
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu gần 95.645 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.628,4 tỷ đồng, giảm lần lượt 43% và gần 89% so với kết quả năm trước. Như vậy sau 11 tháng, BSR đã vượt 39% kế hoạch doanh thu năm.
Đại diện BSR cho biết, năm 2023 là vô cùng thách thức trong việc giữ vững các kết quả sản xuất kinh doanh đã đạt được khi giá dầu và crack margin có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết xấu cuối năm tác động đến công tác nhập dầu thô và sẽ ảnh hưởng đến công suất vận hành của nhà máy. Mặt khác nhà máy đang ở cuối chu kỳ bảo dưỡng tổng thể.
Ngoài ra, yếu tố thị trường cũng bất lợi như dư nguồn cung sản phẩm; các đầu mối thương nhân xăng dầu giảm nhận hàng để chờ cơ hội giảm thuế xăng dầu…
Năm 2024, BSR đặt trọng tâm vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục và tối ưu công suất, cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình thị trường, đồng thời tối đa hoá hiệu quả SXKD.
Bên cạnh đó, Công ty BSR cũng tập trung nguồn lực để thực hiện công tác Bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5) đảm bảo an toàn, chất lượng, tối ưu chi phí và tiến độ so với kế hoạch được duyệt (phấn đấu rút ngắn thời gian thực hiện Bảo dưỡng tổng thể so với tiến độ được duyệt để tăng hiệu suất hoạt động của Nhà máy, tạo ra hiệu quả cao nhất). Phát huy tối đa việc tự chủ cùng với tối ưu nguồn nhân sự của BSR/các đơn vị trong ngành/trong nước cho quá trình thực hiện công tác bảo dưỡng sửa chữa để tiết giảm chi phí.
Được biết, công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
NMLD Quất là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Việc xây dựng thành công và đưa NMLD Dung Quất vào vận hành mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiến Hoàng