Tỷ giá USD hôm nay (22/5): Giá USD "chợ đen" tiếp tục giảm
Tỷ giá USD hôm nay (22/5): Giá bán USD ở một số ngân hàng thương mại lớn chủ yếu bằng hoặc thấp hơn phiên trước.
Tỷ giá USD trong nước hôm nay
Tỷ giá trung tâm hôm nay (22/5) được Ngân hàng Nhà nước giảm 6 đồng xuống mức 24.962 VND/USD so với mức niêm yết hôm qua.
Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.764 - 26.160 VND/USD.
Tỷ giá mua bán tham khảo cũng được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ ở vùng 23.764 - 26.160 VND/USD.
Giá bán USD ở một số ngân hàng thương mại lớn chủ yếu bằng hoặc thấp hơn phiên trước. Giá bán USD tại nơi công bố cao nhất giảm về mức 26.210 đồng/USD.
Cụ thể, Vietcombank niêm yết giao dịch ở mốc 25.750 - 26.140 đồng/USD, không đổi so với phiên giao dịch sáng qua.
BIDV niêm yết tại mức 25.780 - 26.140 đồng/USD, giữ nguyên so với phiên trước.

Techcombank niêm yết giá mua vào là 25.704 và bán ra tại 26.210 đồng/USD, tăng 5 đồng chiều mua còn giá bán giảm 6 đồng so với phiên liền trước.
Eximbank hiện niêm yết ở mức 24.301 - 26.180 đồng/USD.
Tại ACB bình ổn tại mức 25.760 đồng/USD - 26.140 đồng/USD, mua vào - bán ra.
Tại thị trường "chợ đen", tỷ giá USD chợ đen tính đến 5h30 ngày 22/5/2025 giảm 20 đồng ở chiều mua - giảm 10 đồng ở chiều bán so với phiên giao dịch ngày hôm qua, giao dịch quanh mốc 26,320 - 26,430 đồng/USD.
Tỷ giá USD hôm nay trên thế giới
Trên thị trường Mỹ, chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, đã giao dịch ở mức 99,52 (giảm 0,51%) theo ghi nhận lúc 5h30 (giờ Việt Nam).
Đồng USD tiếp tục giảm ngày thứ ba liên tiếp so với nhiều đồng tiền chủ chốt trong phiên thứ Tư, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể thuyết phục được các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ dự luật thuế lớn của ông. Thị trường cũng đang theo dõi sát cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G7 tại Canada, nơi một số nhà đầu tư lo ngại Mỹ có thể ngầm theo đuổi chính sách đồng USD yếu.
Cuộc chiến thuế quan toàn cầu do ông Trump phát động đã làm thị trường biến động trong nhiều tháng, nhưng tuần này diễn biến có phần lắng dịu khi thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế cho các đối tác thương mại sắp kết thúc mà chưa có thỏa thuận mới. Dù Nhà Trắng vẫn thể hiện mong muốn khôi phục thương mại ổn định, nhưng các cuộc đàm phán với Nhật Bản và Hàn Quốc đang mất đà.
Sự kết hợp của các yếu tố này tiếp tục gây áp lực lên đồng USD, dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn tăng. Theo giới phân tích từ Commonwealth Bank of Australia, Mỹ không rơi vào "vòng xoáy tử thần", nhưng USD sẽ yếu trở lại vào năm 2026 khi bất ổn thuế quan giảm và lãi suất thấp hỗ trợ kinh tế toàn cầu phục hồi. Đồng thời, các quỹ đầu tư lớn sẽ giảm tỷ trọng tài sản định giá bằng USD.
Việc Moody’s hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ cuối tuần trước không gây sốc mạnh nhưng làm tăng tâm lý lo ngại đối với tài sản Mỹ. Trong năm nay, USD đã giảm so với tất cả các đồng tiền lớn. Dự luật thuế mà ông Trump thúc đẩy có thể làm tăng thêm từ 3.000 đến 5.000 tỷ USD nợ công, trong khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với nỗi lo về tăng trưởng chậm và lạm phát cao.
Goldman Sachs cho rằng, tuy thuế quan hiện thấp hơn trước, nhưng vẫn ở mức cao và rủi ro suy thoái ở Mỹ chưa hề biến mất. Dự kiến, đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 20 năm sắp tới sẽ là thước đo cho nhu cầu đối với nợ công dài hạn của Mỹ.
Bên ngoài nước Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết sẽ thảo luận với phía Mỹ về vấn đề tỷ giá với quan điểm chung rằng biến động quá mức là không mong muốn. Theo chiến lược gia MUFG, nếu Mỹ gây áp lực buộc các nước châu Á ngừng can thiệp mua USD, USD có thể sẽ giảm sâu hơn.
Đồng yên đã tăng mạnh, kéo USD/JPY xuống 0,6% còn 143,595 yen, phần nào nhờ lợi suất trái phiếu Nhật tăng. Ngoài ra, những thông tin từ CNN về khả năng Israel chuẩn bị tấn công cơ sở hạt nhân Iran cũng khiến nhu cầu trú ẩn vào đồng yên, franc Thụy Sĩ và vàng tăng lên.
Các quan chức Fed tiếp tục bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách thương mại của ông Trump đối với nền kinh tế, cho biết sẽ giữ thái độ “chờ và xem” trước khi đưa ra bất kỳ điều chỉnh chính sách nào.
Tuệ Lâm (t/h)