Thường trực Chính phủ làm việc với 20 ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội
Sáng 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2024 dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cả nước đã nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành 15/15 chỉ tiêu cơ bản, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt.

Trong quá trình phát triển của đất nước, có đóng góp của ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại - với vai trò là mạch máu của nền kinh tế.
Đánh giá, biểu dương đóng góp của ngành ngân hàng đối với quá trình phát triển đất nước, Thủ tướng Chính phủ cho biết năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo để đạt 2 mục tiêu 100 năm ngày thành lập Đảng và 80 năm ngày thành lập nước.
Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có những diễn biến nhanh và có nhiều chính sách tác động đến Việt Nam, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị với các ngân hàng nhằm phân tích, đánh giá tình hình, đồng thời lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu phân tích kỹ những khó khăn, thách thức, thuận lợi, thời cơ; đề xuất, hiến kế các giải pháp với sự tham gia của hệ thống ngân hàng để làm mới động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Đặc biệt góp ý với Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành, nhất là về thể chế; Chính phủ và các bộ, ngành phải làm gì "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm" để ngành ngân hàng phát triển tốt hơn tốt hơn.
Với phương châm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp", Thủ tướng Chính phủ đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực phát triển đất nước.
Phân tích về tình hình thế giới hiện nay như các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, EU... Thủ tướng cho rằng, từ đầu năm đến nay mới hơn 1 tháng nhưng tình hình thế giới thay đổi rất nhanh, sẽ khó khăn nhiều hơn và đang có xu hướng đứt gãy các chuỗi cung ứng, đứt gãy các chuỗi sản xuất, đứt gãy các thị trường. Đặc biệt là tình hình thế giới đã tác động đến chính sách. Trong đó có các chính sách liên quan đến chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ, liên quan thuế, chính sách tài chính, tài khóa… vì vậy Thủ tướng đã họp với các doanh nghiệp lớn và các ngân hàng lớn, uy tín trong hệ thống ngân hàng để cùng bàn, dự báo tình hình năm nay có những vấn đề gì khác so với năm 2024 để tìm ra các giải pháp, có đối sách kịp thời, có phản ứng cho phù hợp và cần bàn xem khó khăn thách thức cụ thể là gì? Tác động của địa chính trị, tác động của chính sách các nước ảnh hưởng như thế nào đối với nước ta?
"Chúng ta phải có đối sách gì, phản ứng thế nào? Các ngân hàng thương mại cần làm gì, chúng ta cùng bàn và hiến kế cho Chính phủ"- Thủ tướng đề nghị
Theo Thủ tướng, phải tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Bên cạnh đó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu thêm các gói tín dụng cho vay đối với những người trẻ đang cần nhà ở.
Tiến Hoàng