Thị phần nào cho doanh nghiệp xây dựng khi làm hạ tầng giao thông
Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Do đó, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang được triển khai, như cao tốc Bắc Nam, Vành đai 4 Hà Nội…
Với khối lượng công việc khổng lồ đòi hỏi năng lực của các nhà thầu không chỉ ngành giao thông mà cả những “ông lớn” của ngành Xây dựng như Tổng Công ty xây dựng số 1 - CTCP (CC1), Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)… cùng tham gia mới có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ngành Xây dựng đang dần phục hồi
Theo báo cáo sơ kết của Bộ Xây dựng 6 tháng đầu năm cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành tăng 4,74% so với cùng kỳ 2022, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước; tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 0,82% so với cùng kỳ; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 42%; tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,6 m2 sàn/người. Điều này cho thấy ngành Xây dựng đang dần hồi phục và lấy lại được đà tăng trưởng sau khó khăn từ dịch Covid-19, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng hạ tầng và công nghiệp.
Năm 2023 được coi là năm trọng điểm của đầu tư công với tổng vốn dự kiến trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022. Các dự án được ưu tiên trong giai đoạn tới gồm Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam, cùng một số các tuyến cao tốc, cửa khẩu...
Cùng với đó, làn sóng đầu tư công giải ngân mạnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng của nhiều nhóm ngành, trong đó nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ là những công ty “ăn nên làm ra” với việc trúng thầu nhiều dự án lớn. Từng thành công ở mảng xây dựng dân dụng, công nghiệp, đến nay nhiều “ông lớn” trong ngành xây dựng đang chuyển hướng tập trung tiếp cận các dự án hạ tầng giao thông như CC1 hay Vinaconex. Theo báo cáo doanh thu của CC1 năm 2022 đạt gần 6.450 tỷ đồng, trong đó xây lắp chiến 3.760 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 223 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, ông Võ Hoàng Lâm - Tổng Giám đốc cho biết, kế hoạch năm 2023, doanh thu 16.249 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận 233 tỷ đồng, tăng 10,1 lần. Để đạt được mục tiêu trên, Coteccons xác định trụ cột gồm 4 mảng là: xây dựng truyền thống (công trình dân dụng, nhà cao tầng, nhà máy); dự án mega (dự án có kích thước lớn, đẳng cấp về quy mô như dự án Lego); kết cấu hạ tầng; mảng đầu tư.
“Coteccons đang bước đi mạnh mẽ hơn khi gia nhập thị trường hạ tầng, liên quan tới sân bay, cao tốc… Đây là chiến lược trọng tâm đến năm 2025 của công ty”, ông Lâm tiết lộ.
Trái ngược hoàn toàn với CC1 và Coteccons thì Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lại mờ nhạt trong lĩnh xây dựng hạ tầng, công nghiệp. Mặc dù Tập đoàn này đã thành lập Khối Công nghiệp để định hướng phát triển xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp một cách chiến lược và bài bản.
Không phải doanh nghiệp xây dựng nào cũng làm được giao thông
Theo phân tích của các chuyên gia thì doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, công nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn từ xu hướng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong giai đoạn 2023-2025. Chính vì vậy, dư địa mảng xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp ở Việt Nam còn rất lớn nhưng các doanh nghiệp thành công từ xây dựng dân dụng như Coteccons hay Hoà Bình lại khó vượt qua được những “đại thụ” trong xây dựng hạ tầng như CC1, Vinaconex… Bởi các doanh nghiệp xây dựng phải đáp ứng được các tiêu chí về năng lực thi công, tỷ lệ giá trị backlog/doanh thu lớn và sức khỏe tài chính lành mạnh.
Xuất thân từ doanh nghiệp xây dựng dân dụng nhưng CC1 đã bén duyên với hạ tầng giao thông rất lâu khi hoàn thành cầu Văn Thánh (Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh) mà đơn vị ngành giao thông từng “bỏ của chạy lấy người”. Rồi từ đó CC1 duyên nợ với hạ tầng giao thông và liên tiếp trúng thầu hàng loạt dự án trọng điểm. Có thể kể đến như nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đến các dự án thành phần thuộc dự án Xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong).
Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong số 25 gói thầu đầu tiên thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 thì CC1 tham gia tới 4 liên danh, với tổng giá trị các gói thầu lên đến19.430 tỷ đồng. Đặc biệt, CC1 là nhà thầu đầu tiên của Việt Nam có thể đứng tổng thầu EPC và sánh ngang hàng với nhà thầu hàng đầu Nhật Bản (Mitsubishi Corporation), Hàn Quốc (Hyundai Engineering and Construction) tại dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1. Dự án có tổng trị giá khoảng 30.236 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD).
Ngoài vai trò là nhà thầu xây lắp, CC1 cũng khẳng định thương hiệu là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và dân dụng theo hình thức PPP (BT, BOT,…) thông qua các công trình tiêu biểu như: Cao ốc Sailing Tower, Khu dân cư Hạnh Phúc, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cầu Đồng Nai, cầu Hóa và tuyến giao thông ở hai đầu cầu,…
Theo Bảng xếp hạng PROFIT500, năm 2022 CC1 đã xuất sắc tăng 358 hạng, vươn lên đứng thứ 125/500 doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam và trở thành Top 10 Doanh nghiệp ngành xây dựng có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022.
Từ những kết quả này đã khẳng định hiệu quả hoạt động của CC1 không những trong lĩnh vực xây lắp dân dụng mà cả lĩnh vực hạ tầng giao thông lẫn năng lượng. Qua đó minh chứng khả năng tài chính vững mạnh, kỹ thuật thi công tiên tiến hiện đại và năng lực quản trị linh hoạt đã giúp CC1 xứng đáng là doanh nghiệp hàng đầu trong đầu tư xây dân dụng, hạ tầng giao thông và là nhà thầu quốc tế chuyên nghiệp.
An Tú