Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chính là bảo vệ sự sống
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là đang góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất.
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là đang góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất - hành tinh sống duy nhất của chúng ta.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Năm 2020, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ, tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Tiết kiệm năng lượng có những lợi ích rất to lớn như bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia; Bảo vệ môi trường, giảm chất thải gây hiệu ứng nhà kính; Giúp cho ngành năng lượng nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển bền vững.
Để làm rõ thêm về vai trò cũng ý nghĩa của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất, cũng như tầm quan trọng của vấn đề này đến sự phát triển bền vững của đất nước, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Khối trưởng Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu (VUSTA).
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Những vấn đề liên quan đến tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là vấn đề hết sức quan trọng của mọi quốc gia. Bởi, nguồn năng lượng đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tất cả các ngành sản xuất như nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng và ngay cả các hộ gia đình, nhu cầu năng lượng đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày.
Với tầm quan trọng như vậy, nguồn năng lượng được xem là quốc sách của mọi quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vì vậy, từ năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, đây cũng là một dấu mốc quan trọng để Luật hóa vấn đề cấp bách này ở Việt Nam.
Việc sử dụng năng lượng một cách thiếu khoa học như hiện nay cũng đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Cụ thể, trong quá trình sử dụng năng lượng sẽ phát ra một lượng khí thải. Ví dụ các nguồn nhiên liệu như xăng dầu, than… đang thải ra một lượng lớn khí CO2, đây cũng là nguyên gây hiệu ứng nhà kính và làm Trái Đất nóng lên. Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng chính là bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái Đất - hành tinh duy nhất đang duy trì cuộc sống của chúng ta.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Sử dụng năng lượng như thế nào cho tiết kiệm và hiệu quả đúng là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã và đang xây dựng Quy hoạch điện VIII. Tại COP26, Thủ tướng thay mặt cho Chính phủ cũng đã cam kết đến năm 2050 giảm phát ròng bằng 0. Điều quan trọng là phải thực hiện như thế nào để có thể phát huy và mang lại hiệu quả.
Thực tế, các chương trình hành động thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có, các kế hoạch chi tiết cũng đã được Bộ Công Thương ban hành. Dù vậy, tôi cho rằng, chúng ta phải thực hiện một cách khẩn trương hơn nữa. Tuyên truyền rộng rãi, giúp người dân thay đổi nhận thức của mình, đặc biệt là doanh nghiệp - bộ phận sử dụng lớn nguồn năng lượng.
Nhìn từ khủng hoảng năng lượng hiện nay của các nước châu Âu chúng ta cũng thấy, nó đã làm rung chuyển cả quốc gia giàu lẫn các nước nghèo. Nền kinh tế tất cả các quốc gia đều phụ thuộc vào nguồn năng lượng. Nói thế để chúng ta hiểu rằng, vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng ở bất kỳ quốc gia nào đều phải đặt lên hàng đầu và là quốc sách của mọi quốc gia và là vấn đề cấp bách hiện nay.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Tôi đánh giá cao các chương trình, hành động của Chính phủ và Bộ Công Thương trong thời gian qua. Những chính sách, chương trình này cũng đang góp phần hoàn thành các mục tiêu mà chúng ta đặt ra, lớn hơn là cam kết tại COP26. Tuy nhiên, sau khi kết thúc một phong trào, một chiến dịch, một chương trình, chúng ta cần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm cho các lần sau làm tốt hơn.
Còn Giờ Trái Đất là chương trình hành động của toàn cầu, tắt điện 60 phút để giảm tối đa ánh sáng, đây là chương trình được thực hiện hàng năm và được người dân Việt Nam hưởng ứng. Nói vậy để chúng ta thấy, tính hiệu quả của việc tắt điện (tiết kiệm điện năng) mang lại nên chương trình này vẫn được các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện hàng năm. Vì vậy, Việt Nam chúng ta cần thực hiện nhiều hơn các chương trình như thế này. Làm sao để hành động từ nhỏ đến lớn, từ các địa phương đến các Bộ, ngành đều có thể tham gia vào, cùng theo đuổi một mục đích chung giảm phát thải bằng 0.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Vấn đề năng lượng không chỉ mang đến nhiều thách thức đối với Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi, hiện nay vấn đề biến đổi khí hậu đang có tác động rất lớn đối với sự phát triển của nhiều quốc gia. Vì vậy, việc tiết kiệm năng lượng cần sự chung tay của tất cả các quốc gia, cùng hành động, cùng làm và làm sao để có thể giữ nhịp phát triển một cách bền vững. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp - bộ phận sử dụng lớn nguồn năng lượng. Dù hiện nay các doanh nghiệp cũng đã làm rất tốt vấn đề này nhưng chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa. Trong quá trình sản xuất sản phẩm cố gắng tiết kiệm để mỗi một khâu, mỗi công đoạn có thể tiết kiệm tối đa nhiên liệu đầu vào, chi phí năng lượng phát sinh thì khi đó giá trị thặng dư của sản phẩm sẽ càng được nâng lên. Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, chúng ta cần tận dụng các công nghệ tốt, tiên tiến, ít tiêu hao năng lượng, loại bỏ các công nghệ cũ.
Bên cạnh đó, cần thay đổi từ nhận thức, ý thức của mỗi người. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện tại cũng đang góp phần gìn giữ tài nguyên cho thế hệ mai sau, giúp việc phát triển của mỗi quốc gia thực sự là bền vững, trong đó có Việt Nam chúng ta.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mới đây đã quyết định hình thành Khối trong các Hiệp hội và Hội chuyên ngành. Hiện nay, Liên hiệp Hội có 93 Hiệp hội và Khối chuyên ngành như thế. Trong đó mỗi một Ủy viên đoàn Chủ tịch sẽ được giao, chủ trì một khối như vậy. Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu là một khối lớn và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là Khối tập hợp và động viên các Hội, các nhà khoa học cùng tham gia, cùng nhau thực hiện một mục tiêu chung, trong đó có mục tiêu liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
Dù mới hình thành nhưng Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu đã tổ chức họp nhiều lần và tìm ra các chương trình để có thể cùng nhau phối hợp như sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng, những vấn đề bảo vệ môi trường, hay những hội thảo cần các chuyên gia tư vấn,…. hướng đến mục tiêu chung vì môi trường và vì xã hội.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Việc tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong mỗi chương trình, quyết sách của Chính phủ và các Bộ, ngành. Tuyên truyền phải là cái đi đầu, thông qua đó để thay đổi cách nhìn, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan đến việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng. Tất cả cơ quan báo chí hay các phương tiện truyền thông điều có thể làm được. Qua đây, truyền tải thông điệp đến mỗi độc giả, mỗi đối tượng một cách nhanh nhất, rộng nhất. Chính vì vậy, vai trò của báo chí là rất quan trọng, thậm chí là đóng góp vai trò lớn nâng cao nhận thức của mỗi một công dân, mỗi một doanh nghiệp, mỗi một đối tượng mà đang sử dụng năng lượng.
Chúng tôi cũng mong rằng, đội ngũ báo chí tuyên truyền hãy làm thật tốt hơn nữa, không chỉ vấn đề năng lượng mà tất cả các vấn đề khác góp phần vào sự phát triển chung của thế giới và cho nhân loại.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua việc tiết kiệm năng lượng đã đạt được những kết quả hết sức đáng khích lệ. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các giai đoạn từ 2006-2015 (Chương trình VNEEP1 và VNEEP2), cả nước đã tiết kiệm được tương ứng 3,4% và 5,65% tổng tiêu thụ năng lượng trong từng giai đoạn, tương đương với việc tiết kiệm được tổng cộng 16,1 triệu tấn dầu quy đổi. Đây là một kết quả khả quan và rất có ý nghĩa về kinh tế, xã hội cũng như về mặt bảo vệ môi trường. Tuy nhiên tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong nhiều ngành tại Việt Nam vẫn còn lớn.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Viện Năng lượng và Ngân hàng Thế giới đánh giá, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam còn tiềm năng kỹ thuật tiết kiệm năng lượng từ 15-35%. Điều đó chứng tỏ chúng ta vẫn cần phải triển khai quyết liệt các giải pháp, các chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cả về chiều sâu và chiều rộng.
Ngày 13/3/ 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai toàn diện và đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ trung ương đến địa phương đồng thời với việc tổ chức và giám sát thực hiện nghiêm các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thực hiện: Phạm GiangĐồ họa: Thế Hiệp