Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ hoạt động phi lợi nhuận để tạo ra nhà giá rẻ
Ngày 21/5/2025, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).
Nhiều đại biểu cho rằng cần có cơ chế mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đảm bảo khả thi và hấp dẫn nhà đầu tư. Đồng thời, cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện để đảm bảo đúng mục tiêu, tránh trục lợi chính sách.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh, phát triển NƠXH sẽ giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đây là yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay cả nước có khoảng 657 dự án xây dựng NƠXH, quy mô 597.152 căn và hiện có 103 dự án hoàn thành với 66.755 căn, 140 dự án đang khởi công với khoảng 124.352 căn, 414 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng hơn 406.045 căn.
Như vậy, theo đại biểu, đến nay mới chỉ đạt khoảng hơn 15%, không đạt chỉ tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2021-2025. Từ nay đến năm 2030 thời gian không còn nhiều, trong khi đó số lượng các căn hộ cần được gấp rút hoàn thành là rất lớn, khoảng trên 150.000 căn/năm.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay đang tiến hành sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, có nhiều cán bộ, công chức ở các địa phương phải chuyển đến đơn vị mới để thực hiện nhiệm vụ, đại biểu tán thành việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù như quy định tại dự thảo nghị quyết.
Nhất trí với việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, trong quản lý, sử dụng Quỹ phải có quy định chặt chẽ để việc huy động, quản lý, sử dụng Quỹ bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả.
Phát biểu ý kiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Quỹ Nhà ở quốc gia là quỹ ngoài ngân sách do Nhà nước thành lập, không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách.
Nguồn vốn của quỹ này dự kiến huy động từ nhiều nơi như ngân sách Nhà nước; đóng góp tự nguyện của nhà đầu tư trong và ngoài nước hay của các tổ chức, cá nhân; nguồn thu từ quỹ đất 20% xây NƠXH trong các dự án nhà thương mại và các nguồn hợp pháp khác.
Quỹ này làm nhiệm vụ kiến tạo ra NƠXH, nhà ở cho những người trẻ chưa có nhà ở.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, quỹ này sẽ tạo ra nhà ở giá rẻ để đảm bảo NƠXH, hoạt động dựa trên nguyên tắc bảo tồn quỹ, phi lợi nhuận mới tạo ra nhà giá rẻ.
Trước hết, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định Quỹ này không ảnh hưởng đáng kể tới điều hành chính sách tài khóa.

Giải thích việc Quỹ Nhà ở quốc gia được giao cho Bộ Xây dựng quản lý chứ không phải Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ nói tính chất của quỹ này gắn với kiến tạo NƠXH, thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.
Quỹ này làm nhiệm vụ đầu tư xây nhà giá rẻ, rồi bán cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để thu hồi tiền. Số tiền này sau đó lại quay vòng đầu tư, nên sẽ hết nhiệm vụ khi hết đối tượng để phục vụ.
Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ có tại Trung ương và địa phương. Ở Trung ương, quỹ sẽ do Bộ Xây dựng quản lý, để xây dựng một số dự án, điều hòa cho những địa phương không cân đối được ngân sách.
Còn tại địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền thành lập quỹ, rồi giao Sở Xây dựng quản lý.
Khi hết nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh là người có thẩm quyền chấm dứt hoạt động của quỹ. Từ đó kỳ vọng quỹ này sẽ hỗ trợ một phần cho thúc đẩy NƠXH, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp, người trẻ.
Cũng quan tâm đến việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định về Quỹ nhà ở quốc gia chưa thể hiện rõ cơ quan quản lý, mô hình tổ chức hoạt động, nguồn thu, nhiệm vụ chi. “Do đó, cần bổ sung và làm rõ các nội dung quy định về Quỹ nhà ở quốc gia. Nghị quyết cần quy định đầy đủ các nội dung mang tính chất khung để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị.