PVTrans (PVT) ước lợi nhuận đạt 1.094 tỷ đồng, vượt 128% kế hoạch năm 2022
Năm 2022, PVT ước doanh thu thuần đạt 9.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.094 tỷ đồng, lần lượt vượt 41% và 128% kế hoạch năm. Công ty cũng đã nộp ngân sách nhà nước ước đạt 481 tỷ đồng (vượt 96% kế hoạch).
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT – sàn HOSE) mới đây đã công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu Công ty đạt 9.150 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.094 tỷ đồng, lần lượt vượt 41% và 128% kế hoạch năm. Công ty cũng đã nộp ngân sách nhà nước ước đạt 481 tỷ đồng (vượt 96% kế hoạch).
Doanh nghiệp cho biết, tình hình giá dầu biến động trong năm 2022 do ảnh hưởng của những bất ổn về chính trị - kinh tế, dẫn đến giá mua bán tàu tăng đột biến. Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét khiến công tác chuẩn bị đầu tư và tìm mua tàu phù hợp đảm bảo hiệu quả dự án đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, một số đơn vị thành viên PVTrans đã có sự chuẩn bị từ cuối năm 2021 trong việc hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác 02 tàu chở dầu/hóa chất 13.000 DWT, 01 tàu chờ dầu/hóa chất 20.000 DWT, 01 tàu chở hàng rời Supramax và 01 sà lan chờ hàng rời 10.000 DWT.
PVTrans là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được thành lập năm 2002 và hiện tại có đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu thụ dầu khí của Việt Nam.
Mới đây, PVT được chỉ định cung cấp dịch vụ vận chuyển xăng dầu, phụ gia, etanol và các hàng hoá/sản phẩm khác cho PVOIL.
Tại báo cáo ngành dầu khí mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng giá cước tàu chở dầu và nhiên liệu sẽ duy trì đà tăng trong thời gian tới do các lệnh cấm vận sắp có hiệu lực của EU đối với Nga. Từ đó, nhóm vận tải xăng dầu sẽ được hưởng lợi, bao gồm PVT. Hiện 80% đội tàu của PVT đang hoạt động trên các tuyến quốc tế và hầu hết được ký kết theo hình thức hợp đồng thuê tàu định hạn mà VNDirect cho rằng sẽ được gia hạn với giá cước cao hơn trong thời gian tới.