PVTrans Pacific được chấp thuận niêm yết cổ phiếu PVP
PVP sẽ được chấp thuận niêm yết hơn 94,27 triệu cổ phiếu lên sàn HOSE, mệnh giá 10.000 đồng/CP, tương ứng vốn điều lệ là 942,8 tỷ đồng
Thông tin từ CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới công bố quyết định về việc chấp thuận niêm yết cổ phiếu PVP của đơn vị.
Theo đó, PVP sẽ được chấp thuận niêm yết hơn 94,27 triệu cổ phiếu lên sàn HOSE, mệnh giá 10.000 đồng/CP, tương ứng vốn điều lệ là 942,8 tỷ đồng. CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương phải tuân thủ quy định về chứng khoán, thị trường chứng khoán và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, cổ đông CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific - Mã: PVP) đã thông qua đầu tư tối đa 50 triệu USD mua tàu chở khí hóa lỏng loại VLGC (Very Large Gas Carrier) nhằm khai thác thị trường quốc tế.
Nguồn vốn cho dự án là vốn chủ sở hữu và vốn vay của các tổ chức tín dụng, trong đó vốn vay không vượt quá 70% giá trị mua tàu.
Theo kế hoạch, tàu chở khí hóa lỏng loại VLGC sẽ có sức chứa khoảng 75.000 – 80.000 cbm, được đóng tại Nhật Bản, Hàn Quốc. PVP dự kiến đầu tư tàu trên trong năm 2022 và tùy theo diễn biến thực tế của thị trường.
PVP ước tính tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của dự án sẽ không thấp hơn 8,86%, suất sinh lời trên vốn chủ đầu tư (ROE) ít nhất bằng 9,82%.
PVP là đơn vị thành viên của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT), chuyên kinh doanh vận tải dầu thô, cho thuê tàu, hoạt động chính tại châu Á, châu Úc, Trung Đông và Trung Mỹ. Tại thị trường nội địa, PVP vận chuyển dầu thô đầu vào từ mỏ Bạch Hổ và các mỏ khác tại Việt Nam về Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Thời gian gần đây, các đơn vị thành viên của PVTrans đang tích cực thuê mua, hoặc đầu tư mới tàu chở khí hóa lỏng (LPG) trong bối cảnh nguồn cung tàu chào bán trên thị trường hạn chế, hạn mức cho vay tín dụng bị siết chặt và lãi suất tăng cao. Mới đây, CTCP Vận tải Nhật Việt (NVTrans) cũng vừa thuê lại và trực tiếp quản lý vận hành thương mại và kỹ thuật tàu chở khí hóa lỏng Morning Jane để khai thác thị trường quốc tế ở phân khúc cao cấp.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, PVP công bố doanh thu đạt 961,1 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, lãi sau thuế đạt 207,3 tỷ đồng, tăng 34,2% do Công ty hoàn thành thanh lý tàu PVT Athena. Ngoài ra, các yếu tố chênh lệch tỷ giá, trích trước chi phí sửa chữa lớn đội tài trong 9 tháng năm 2022 cũng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận trước thuế của Công ty.
Tại thời điểm ngày 30/09/2022, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 2.612,4 tỷ đồng, tăng 13,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 70,4%, đạt 661,1 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 44%, lên 656,5 tỷ đồng. Nợ phải trả theo đó tăng 27%, lên 970,3 tỷ đồng, chủ yếu do nợ ngắn hạn tăng 71%. Riêng vay nợ ngắn hạn và dài hạn còn lần lượt 206 tỷ đồng và 253,2 tỷ đồng.
Xét về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 13/12/2022, PVP có 3.778 cổ đông trong nước (3.764 cổ đông cá nhân và 14 cổ đông tổ chức), chiếm 99,32% cơ cấu cổ đông và 26 cổ đông nước ngoài, chiếm 0,68% cơ cấu cổ đông. Với vốn điều lệ hơn 942,75 tỷ đồng, Công ty hiện có 2 cổ đông lớn nhất gồm Tổng CTCP Vận tải Dầu khí chiếm 61,2 triệu cổ phiếu, tương đương 64,9% vốn điều lệ và Công ty TNHH Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chiếm 10 triệu cổ phiếu, tương đương 10,61% vốn điều lệ PVP.