Phát hiện 72 website giả mạo, lừa đảo trên không gian mạng trong tháng 1/2025
Thời gian qua, nhiều trường hợp lừa đảo trên không gian mạng đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, số liệu từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng vẫn đang có dấu hiệu tăng mạnh.
Cụ thể, theo thông tin từ Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Ecomviet) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong tháng 1/2025, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 72 website giả mạo, lừa đảo.

Trong số đó, có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh; 16 website giả mạo các thương hiệu lớn như Facebook, Telegram, TikTok, VinGroup, Viettel, VNG; 15 trang giả mạo website cơ quan, tổ chức Nhà nước và 11 website giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Trước đó, số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đưa ra trong năm 2024 cũng cho thấy, trong năm 2024, đơn vị này đã tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.
Để xử lý các trường hợp vi phạm lừa đảo trên không gian mạng, năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Quảng Bình, Bắc Ninh, Ninh Bình, Gia Lai, Điện Biên, Lào Cai… trong việc cung cấp thông tin xác minh vi phạm hàng chục website/ứng dụng trong thương mại điện tử, như retamino68.com, cronbase2.one, vluky.com và 323.com, tienlientaybb2.com…
Ngoài ra, Cục đã rà soát và cung cấp thông tin nhiều website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm hành chính cho Tổng cục Quản lý thị trường và các cục tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Hà Nam, Bạc Liêu, Điện Biên để xử lý theo thẩm quyền 9 website trong năm 2024…
Từ những số liệu trên cho thấy, vấn đề lừa đảo trên không gian mạng vẫn đang có dấu hiệu tăng mạnh. Thậm chí, theo đánh giá của các chuyên gia về công nghệ thông tin, với việc thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thời gian tới vấn đề lừa đảo qua mạng sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp hơn.
Do đó, cùng với việc vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, Cục Thương mại điện từ và Kinh tế số cũng khuyến cáo, người dùng mạng không nên bấm vào các liên kết lạ, nhất là trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc; kiểm tra nguồn gốc các ứng dụng trước khi tải và chỉ tải ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như App Store, Google Play hoặc website chính thức của nhà cung cấp sản phẩm; hạn chế sử dụng wifi công cộng trong các giao dịch quan trọng như chuyển tiền, đăng nhập tài khoản.