Phải “thuê” tài sản để phát hành trái phiếu, Đạt Phương Group vẫn trúng gói thầu nghìn tỷ
Thiếu tiền tới mức phải đi mượn tài sản của cổ đông (có trả phí) để cầm cố cho khoản vay và phát hành trái phiếu nhưng Đạt Phương Group vẫn trúng gói thầu nghìn tỷ vào đầu năm 2023
Trúng gói thầu nghìn tỷ sát giá
Ngày 9/2/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương trong Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C (Tên viết tắt là: Liên danh Trung Nam E&C - Trung Chính - Đạt Phương - Trung Nam 18) đã trúng gói thầu nghìn tỷ.
Đó là Gói thầu XL-02: xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913-Km6+423 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) và đảm bảo ATGT thủy cầu Rạch Miễu 2 của chủ đầu tư và bên mời thầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.
Giá gói thầu là hơn 1.270,3 tỷ đồng. Giá dự thầu là 1.268,7 tỷ đồng. Và giá trúng thầu cũng là 1.268,7 tỷ đồng. Như vậy, giá trúng thầu rất sát với giá gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm là không đáng kể.
Trước đó không lâu, vào ngày 23/12/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt cho Tập đoàn Đạt Phương trúng Gói thầu XL1: Xây dựng cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu (gồm: Cầu, đường 2 đầu cầu, đường dẫn và chi phí dự phòng + chi phí bảo đảm an toàn giao thông).
Giá gói thầu 1.116,5 tỷ đồng, giá dự toán 1.148 tỷ đồng. Giá dự thầu 1.145,7 và giá trúng thầu là 1.145,7 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ tiết kiệm tại gói thầu này là rất thấp. Tính chung cả năm 2022, Tập đoàn Đạt Phương đã trúng 5 gói thầu tổng trị giá 4.526 tỷ đồng.
Phải “thuê” tài sản để vay vốn và phát hành trái phiếu
Tập đoàn Đạt Phương liên tục trúng các gói thầu giá trị cao và sát giá dù công ty thiếu vốn tới mức phải “mượn” tài sản của dàn lãnh đạo (có trả phí) để vay vốn và phát hành trái phiếu.
Số liệu tài chính cho thấy, trong năm 2022, Công ty không phát sinh giao dịch bán hàng và cung cấp dịch vụ cho các thành viên quản lý chủ chốt và các cá nhân có liên quan với các thành viên chủ chốt. Giao dịch phát sinh chỉ là mượn tài sản để thế chấp.
Trong năm 2022, ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đạt Phương và ông Phạm Kim Châu, Thành viên HĐQT dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để đảm bảo cho khoản vay của công ty tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) – Chi nhánh Thăng Long với số dư nợ gốc và tiền lãi cùng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ số nợ gốc này tối đa 18,141 tỷ đồng.
Đây là khoản vay ngắn hạn có hạn mức tín dụng 550 tỷ đồng để thanh toán công nợ với các nhà cung cấp. Ông Lương Minh Tuấn, ông Trần Anh Tuấn, Thành viên HĐQT và ông Phạm Kim Châu, thành viên HĐQT cũng dùng cổ phần của công ty thuộc sở hữu của mình để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của công ty.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận 200 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, giảm 300 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2021. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5%/năm trong năm đầu tiên, sau đó thả nổi. Định kỳ thanh toán là 6 tháng.
Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là 19 triệu cổ phiếu đang lưu hành của công ty mẹ thuộc sở hữu của Ban lãnh đạo công ty mẹ có giá trị luôn ít nhất bằng 200% tổng giá trị trái phiếu phát hành.
Toàn bộ số tiền thu được sau khi phát hành được cung cấp cho Công ty Cổ phần Đạt Phương Hội An (công ty con) để thực hiện Dự án Khu đô thị Cồn Tiến (Tên thương mại là Casamia), xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Phí mượn tài sản đảm bảo của ông Lương Minh Tuấn là hơn 263 triệu đồng, của ông Phạm Kim Châu là gần 118 triệu đồng và bà Lương Thị Lan – bên liên quan của Hội đồng quản trị là 39,3 triệu đồng.
Tập đoàn Đạt Phương là doanh nghiệp đa ngành nghề. Đạt Phương đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu về xây lắp và thủy điện cũng như trở thành Nhà phát triển bất động sản uy tín hàng đầu tại Việt Nam.