0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ bảy, 16/03/2024 10:27 (GMT+7)

Nhà thầu ‘ruột’ trúng nhiều – lãi ít ở Vĩnh Phúc, Kehin Group có theo ‘vết xe đổ’ Tập đoàn Phúc Sơn?

Theo dõi KT&TD trên

Công ty Cổ phần Kehin (được biết đến với tên gọi Kehin Group) là một doanh nghiệp địa phương, liên tục tăng vốn và sau đó trúng thầu loạt dự án lớn nhỏ tại Vĩnh Phúc.

Đáng chú ý, dù quá trình tăng vốn và liên tục trúng các dự án lớn nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp này lại rất nhỏ, gần như không đáng kể nên không đóng góp nhiều cho việc thu ngân sách Nhà nước.

Những ngày gần đây, dư luận cả nước chưa khỏi bàng hoàng về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn – một doanh nghiệp địa phương, đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Cơ quan chức năng cũng khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi “Hậu Pháo”), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn.

Ít ngày sau, mở rộng điều tra vụ án này, C03 cũng đã khởi tố, bắt hàng loạt bị can từ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - bà Hoàng Thị Thuý Lan tới Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - ông Lê Duy Thành, cùng nhiều cán bộ khác về các tội danh "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng",… Vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm vì Tập đoàn Phúc Sơn từ một doanh nghiệp nhỏ ở địa phương nhưng nhờ sự “đỡ đầu” của các lãnh đạo đã nhanh chóng tăng vốn, lớn mạnh, sở hữu loạt dự án nghìn tỷ từ Bắc vào Nam.

Theo đó, Tập đoàn Phúc Sơn thành lập từ năm 2004, tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Hậu - một người xuất thân nghèo khó “bỗng” làm Chủ tịch doanh nghiệp nghìn tỷ. Ban đầu, doanh nghiệp này có quy mô vừa phải, hoạt động ở lĩnh vực xây lắp tại huyện. Đến năm 2014, lợi nhuận của công ty này chỉ đạt khoảng 100 triệu đồng. Nhưng từ năm 2015, Tập đoàn Phúc Sơn tăng vốn điều lệ lên cao gấp hơn 12 lần, từ 129,7 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Giai đoạn sau, có thời điểm công ty này có vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng (gấp 30 lần số vồn ban đầu). Quá trình vươn mình mạnh mẽ, doanh nghiệp này thực hiện 21 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.

Kehin Group tăng vốn “thần tốc”lên gấp 30 lần, tương đương Tập đoàn Phúc Sơn

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài Tập đoàn Phúc Sơn, còn có một doanh nghiêp nổi tiếng, được đông đảo người dân biết đến vì sự lớn mạnh “thần tốc”, chủ tịch có cơ ngơi xa hoa, đó chính là Kehin Group.

Theo tìm hiểu, Kehin Group tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Kết Hiền. Doanh nghiệp này được thành lập, bắt đầu hoạt động từ tháng 01/2005. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Văn Kết (sinh năm 1973) - người được đông đảo người dân biết đến là một đại gia tỉnh Vĩnh Phúc. (Công ty này cũng nổi tiếng vì có một Showroom Kết Hiền, mặt tiền dài hàng chục mét tại địa chỉ số 36 Cát Linh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội)

Bắt nguồn từ một doanh nghiệp chuyên giới thiệu và bán các sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, từ năm 2010 Kehin Group đã mở rộng quy mô hoạt động ra các lĩnh vực mới như: Xây dựng dân dụng, đường giao thông; kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; xây dựng các khu đô thị; cho thuê hoặc bán nhà xưởng; …

Nhà thầu ‘ruột’ trúng nhiều – lãi ít ở Vĩnh Phúc Kehin Group có theo ‘vết xe đổ’ Tập đoàn Phúc Sơn
Kehin Group là doanh nghiệp "nổi tiếng" được nhiều người biết đến gắn với "đại gia" Nguyễn Văn Kết.

Thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, ban đầu Kehin Group có số vốn điều lệ chỉ là 50 tỷ đồng, với 2 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1975 vợ ông Kết) sở hữu 98,4% cổ phần và ông Văn Hoàng Long sở hữu 1,6% cổ phần. Thời điểm này, ông Văn Hoàng Long (sinh năm 1981) là người đại diện pháp luật, kiêm giám đốc của Kehin Group.

Ở lần đăng ký thay đổi vào tháng 11/2014, dù số vốn được giữ nguyên nhưng cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu cổ phần đã thay đổi thành ông Nguyễn Văn Kết sở hữu 60% và bà Nguyễn Thị Hiền sở hữu 40%. Đến đây, ông Kết cũng thay thế ông Long và chính thức làm người đại diện pháp luật và Giám đốc của Kehin Group.

Đến tháng 03/2017, Kehin Group tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Lúc này, ông Kết góp 60 tỷ, nắm giữ 60% cổ phần và bà Hiền góp 40 tỷ, nắm giữ 40% cổ phần. Đến tháng 01/2018, số vốn điều lệ của doanh nghiệp này được đăng ký tăng lên mức 300 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu cổ phần một lần nữa thay đổi khi lúc này ông Nguyễn Văn Kết vẫn sở hữu 60% nhưng bà Hiền đã giảm xuống 38% và xuất hiện ông Nguyễn Văn Hưng sở hữu 2% vốn điều lệ.

Thời điểm cuối năm 2019, Kehin Group chính thức rời trụ sở chính từ khu 3 Đoài, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đến tòa nhà Kết Hiền địa chỉ số 3 đường Mê Linh, phường Liên Bảo, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại tháng 11/2019, Kehin Group tăng vốn điều lệ lên 550 tỷ đồng. Lúc này, ông Hưng góp 11 tỷ sở hữu 2% cổ phần; bà Hiền sở hữu 38% cổ phần tương đương 209 tỷ,; ông Kết góp 330 tỷ đồng tương đương sở hữu 60% cổ phần.

Nhà thầu ‘ruột’ trúng nhiều – lãi ít ở Vĩnh Phúc Kehin Group có theo ‘vết xe đổ’ Tập đoàn Phúc Sơn
Lãnh đạo Bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, cùng lãnh đạo Kết Hiền Trading trong dịp khai trương showroom nội thất cao cấp tại chính tòa nhà trụ sở của Kehin Group.

Tháng 06/2020, Kehin Group đăng ký nâng vốn điều lệ lên mức 1.000 tỷ đồng. Và đến thời điểm tháng 05/2022 là lần thay đổi gần nhất của doanh nghiệp này khi số vốn điều lệ tăng lên 1,5 lần đạt mức 1.500 tỷ đồng. Như vậy, đến nay, qua nhiều lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp, so với số vốn chỉ 50 tỷ đồng ban đầu, Kehin Group đã tăng vốn điều lệ lên 30 lần, ở mức 1.500 tỷ đồng.

Có thể thấy, thời gian hoạt động của Tập đoàn Phúc Sơn và Kehin Group gần như tương đương nhau (2004 và 2005) và cùng có thời gian vốn điều lệ ở mốc 1.500 tỷ đồng, nhưng trong khi Tập đoàn Phúc Sơn chỉ tăng vốn ở mức hơn 12 lần thì tỷ lệ tăng vốn của Kehin Group mạnh hơn nhiều, 30 lần so với số vốn ban đầu. Và cuối cùng tỷ lệ tăng vốn của 2 doanh nghiệp tương đương nhau, gấp 30 lần số vốn ban đầu. Vậy nhưng Kehin Group tăng vốn nhanh vậy để làm gì? Để trả lời câu hỏi này hãy nhìn vào quá trình sở hữu các dự án của doanh nghiệp nhiều dự án không kém “người anh em Phúc Sơn”.

Điệp khúc tăng vốn – trúng thầu, 'bách chiến – bách thắng', Kehin Group là nhà thầu 'ruột' của ai?

Cụ thể, như đã nói ở trên, cuối năm 2019 và năm 2020, Kehin Group tăng mạnh vốn điều lệ từ 300 tỷ lên 550 tỷ rồi 1.000 tỷ đồng ở thời điểm tháng 06/2020. Trong khoảng thời gian này, theo hồ sơ Thương Trường có được, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư cho 2 dự án là Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông (xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên) và dự án Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc và xã Tam Hồng (huyện Yên Lạc). Hai dự án lần lượt có mức tổng vốn đầu tư là 1.602 tỷ đồng và gần 800 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án là 577,826 tỷ đồng). Như vậy tổng mức đầu tư của 2 dự án là khoảng 2.400 tỷ đồng.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai thì điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha. Quy định của pháp luật đã rõ ràng, còn với quá trình lựa chọn nhà đầu tư 2 dự án này thì sao?

Theo đó, đến tháng 05/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký 02 Quyết định số 1221 và 1228 về việc chấp thuận chủ chương đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông và Khu nhà ở hỗn hợp tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc. Và không biết ngẫu nhiên hay “trùng hợp”, Kehin Group chính là doanh nghiệp được phê duyệt là nhà đầu tư triển khai 2 dự án này? Một điều cần nhắc thêm, ở thời điểm mời quan tâm đầu tư, thời điểm phát hành hồ sơ mời quan tâm dự án từ 08:00 28/06/2018 đến 10:00 30/07/2018 (tại Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc - Số 2, Đường Lý Thái Tổ, Phường Đống Đa, Thành Phố Vĩnh Yên) tức thời điểm vốn của Kehin Group là 300 tỷ đồng, có đảm bảo mức tối thiểu 20% tổng mức đầu tư hay không?

Nhà thầu ‘ruột’ trúng nhiều – lãi ít ở Vĩnh Phúc Kehin Group có theo ‘vết xe đổ’ Tập đoàn Phúc Sơn
Quyết định số 1221 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ chương đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội tại thôn Rừng Cuông cho Kehin Group.

Ngoài 2 dự án này, theo thông tin trên mạng đấu thầu Quốc gia, Kehin Group còn là nhà thầu “quen mặt”, có mối liên hệ “mật thiết” với nhiều cơ quan của tỉnh Vĩnh Phúc. Đáng chú ý nhất, doanh nghiệp này đã “bách chiến – bách thắng” ở các dự án trên địa bàn tỉnh này.

Cụ thể, thông tin trên mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, Kehin Group đã tham gia 24 gói thầu thì kết quả trúng cả 24 gói, với tổng giá trị trúng thầu là hơn 2.064,3 tỷ đồng. Với vai trò độc lập doanh nghiệp này có tổng giá trị trúng thầu là hơn 832,3 tỷ đồng; trong khi đó, trúng thầu với vai trò liên danh là 1.231,9 tỷ đồng.

Dự liệu cho thấy, Kehin Group đã trúng các gói thầu tại loạt cơ quan các cấp như: Ban quản lý dự án (QLDA) xây dựng và phát triển Cụm công nghiệp huyện Yên Lạc, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình huyện Vĩnh Tường, Kho bạc Nhà nước Vĩnh Phúc, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Sông Lô, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình tỉnh Vĩnh Phúc, Ban QLDA đầu tư và xây dựng thành phố Vĩnh Yên, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dan dụng và công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc,…

Sau quá trình tăng vốn, Kehin Group đã trúng loạt dự án quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đơn cử như năm 2020, Kehin Group đã trúng 6 gói thầu với tổng giá trị trên 460 tỷ đồng trong vai trò độc lập. Giá trị trúng thầu cục lớn nhưng tỷ lệ tiết kiệm lại rất thấp, gần như không đáng kể.

Theo đó, ngày 1/12/2020, Kehin Group trúng gói thầu xây lắp đoạn từ Km2+633 đến cuối tuyến thuộc dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ QL2A tránh TP. Vĩnh Yên đến đường vành đai 3 do Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc mời thầu.

Ngay sau đó ít ngày, Kehin Group tiếp tục trúng gói thầu do Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc mời thầu. Đây là gói xây lắp tại dự án đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ QL2A tránh thành phố Vĩnh Yên đến đường vành đai 3, với giá trúng là 154,055 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 12/2020, vói vai trò liên danh, Kehin Group còn trúng thêm 2 gói thầu rất lớn tại Ban QLDA xây dựng và phát triển Cụm công nghiệp huyện Yên Lạc và Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình huyện Vĩnh Tường. Theo đó, tại dự án Đường trục chính huyện Yên Lạc, đoạn nối từ QL2 tránh thành phố Vĩnh Yên ( Phường Hội Hợp, TP.Vĩnh Yên) đi ĐT.303 (xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc) liên danh của Kehin Group trúng thầu với giá 145,381 tỷ đồng vào ngày 25/12/2020. Trong khi gói thầu này có giá 145,703 tỷ đồng, tức gói thầu hơn 145 tỷ nhưng chỉ tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng cho ngân sách, tương đương tỷ lệ 0,2%.

Sau đúng 1 ngày, tức ngày 26/12/2020, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình huyện Vĩnh Tường duyệt cho liên danh của Kehin Group trúng gói thầu dự án xây dựng Đường nối QL2 (vị trí trục trung tâm huyện Vĩnh Tường tại xã Đại Đồng) đến ĐT.305 (vị trí chợ Vàng xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương) với giá 203,307 tỷ đồng. Gói thầu chỉ tiết kiệm khoảng 420 triệu đồng cho ngân sách, cũng tương đương tỷ lệ 0,2%.

Sau đó, từ năm 2021 đến nay, Kehin Group vẫn liên tiếp trúng hàng loạt những gói thầu trăm tỷ đồng do những “đối tác thân thuộc” mời thầu với tổng số tiền ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. Vậy nhưng, tương tự các gói thầu doanh nghiệp này đã trúng năm 2020, số tiền tiết kiệm cho nguồn ngân sách lại gần như không có, hay có “cũng như không” khi tỷ lệ tiết kiệm siêu siêu thấp. Điều này khiến dư luận hoài nghi về năng lực tổ chức đấu thầu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc? Hay phải chăng có “cây cao, bóng cả” nào “chống lưng, che mát” cho Kehin Group để trúng những dự án này với giá cao?

Gần đây nhất, theo quyết định 4287/QĐ-UBND của UBND huyện Yên Lạc, Kehin Group tiếp tục có tên trong liên danh cùng doanh nghiệp “nhà” (Thương Trường sẽ thông tin trong bài viết sau) để trúng gói thầu giá trị 214,345 tỷ đồng. Trong khi đó, gói thầu này có giá 214,745 tỷ đồng, tức liên danh của Kehin Group chỉ tiết kiệm 400 triệu đồng cho ngân sách, tương đương tỷ lệ hơn 0,1%.

Đầu tư nghìn tỷ, lợi nhuận 'bằng 0', Kehin Group không đóng góp cho Ngân sách Nhà nước?

Ngoài những dự án trúng thầu trên, theo tìm hiểu, Kehin Group cũng là chủ đầu tư loạt dự án lớn “ở sân nhà” như: Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương với quy mô 34ha. Tại Quyết định số 1081/QĐ-UBND ngày 7/4/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thành lập và giao cho Công ty TNHH thương mại Kết Hiền làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư hạ tầng là 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm triển khai, đến năm 2020, chủ đầu tư được chuyển đổi về tay Kehin Group. Lúc này, tổng vốn vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng lên mức hơn 463 tỷ đồng.

Nhà thầu ‘ruột’ trúng nhiều – lãi ít ở Vĩnh Phúc Kehin Group có theo ‘vết xe đổ’ Tập đoàn Phúc Sơn
Dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương do Công ty cổ phần Kehin làm chủ đầu tư.

Có thể thấy, tổng số vốn đầu tư tại các dự án Kehin Group trúng thầu và được lựa chọn làm nhà đầu tư lên đến 4.000 – 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một điểm “kỳ lạ” là lợi nhuận của doanh nghiệp này lại gần như “bằng 0”. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022, doanh thu của Kehin Group lần lượt đạt 295 tỷ đồng, 322 tỷ đồng, 270 tỷ đồng, 295 tỷ đồng, 358 tỷ đồng và 182 tỷ đồng.

Vậy nhưng, lợi nhuận mà doanh nghiệp báo cáo lại gần như không đáng kể. Cụ thể, vào năm 2018 dù doanh thu lên đến 322 tỷ đồng nhưng lợi nhuận Kehin Group khai báo chỉ là 250 triệu đồng. Trước đó 1 năm, năm 2017 doanh thu là 295 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thậm chí chỉ 21 triệu đồng. Gần đây nhất, năm 2022 trong khi doanh thu đạt 182 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ, thì lợi nhuận chưa được 0,28% là 495 triệu đồng.

Trong đó, đáng chú ý nhất, năm 2019 và năm 2021, Kehin Group của ông Nguyễn Văn Kết đã liên tục báo lỗ ròng. Đơn cử như năm 2021 doanh nghiệp này báo lỗ 5,8 tỷ đồng, trong khi năm 2020 báo lãi chỉ 245 triệu đồng.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Kehin Group đạt 1.962 tỷ đồng, tăng 25,1% so với số đầu năm. Vốn chủ sở hữu công ty đạt gần 1.485 tỷ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 477,4 tỷ đồng.

Nhà thầu ‘ruột’ trúng nhiều – lãi ít ở Vĩnh Phúc Kehin Group có theo ‘vết xe đổ’ Tập đoàn Phúc Sơn
Ông Nguyễn Văn Kết, người đại diện pháp luật và Giám đốc của Kehin Group.

Còn theo số liệu của nhà thầu báo cáo, trong 6 năm từ 2017 đến 2022, trong khi ngân sách phải chi trả cho Kehin Group hàng nghìn tỷ đồng chi phí đầu tư xây dựng thì doanh nghiệp này lại chỉ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp được 1 tỷ đồng. Con số khiến nhiều người phải “suy ngẫm”?

Rõ ràng qua những con số thống kê, qua những dự án triển khai, có thể thấy nhiều điểm “bất thường” trong hoạt động của Công ty Cổ phần Kehin (Kehin Group – hay còn được biết đến với tên gọi doanh nghiệp Kết Hiền). Với nhiều điểm tương đồng từ tăng vốn điều lệ đến sở hữu dự án,…liệu Kehin Group của ông Nguyễn Văn Kết có “đi vào vết xe đổ” Tập đoàn Phúc Sơn của Nguyễn Văn Hậu?

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Nhà thầu ‘ruột’ trúng nhiều – lãi ít ở Vĩnh Phúc, Kehin Group có theo ‘vết xe đổ’ Tập đoàn Phúc Sơn?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hòa Phát nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng
Sau 9 tháng của năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát...
Bia Trúc Bạch - Diện mạo mới, xứng danh thương hiệu quốc gia
Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) chính thức công bố nhận diện thương hiệu mới của Bia Trúc Bạch. Với vị thế "Kiệt tác bia", diện mạo mới của Trúc Bạch thể hiện khát vọng chinh phục đỉnh cao, vươn tầm, khẳng định vị thế của người Việt Nam. 

Tin mới

Đề xuất quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, GRDP
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP).
Lý do San Hô được nhiều gia đình “bỏ phiếu thuận” trong mùa mua nhà cuối năm
Làn sóng rời phố cũ về khu Đông Hà Nội đang tiếp tục tăng tốc trong mùa mua nhà cuối năm. Tọa độ được các gia đình trẻ nhắm tới là phân khu San Hô trong lòng Vinhomes Ocean Park 2, nơi sở hữu môi trường sống thân thiện với ngàn tiện ích thời thượng cùng trợ lực tài chính hấp dẫn từ chủ đầu tư.
9 tháng đầu năm tổng giá trị huy động trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 266.000 tỷ đồng
Theo thống kê của Mirae Asset, trong tháng 9, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 26 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động đạt hơn 24.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị huy động thông qua trái phiếu DN tính từ đầu năm đạt hơn 266.000 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ).
Bất cập trong việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, lực lượng môi giới bất động sản đang tập trung chuẩn bị tham gia thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu pháp luật mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8 quy định 100% môi giới phải có chứng chỉ hành nghề.
Quảng Ninh: Ưu tiên đầu tư hạ tầng thương mại biên giới
Việc phát triển hạ tầng thương mại biên giới, có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá cho người dân, doanh nghiệp, qua đó trở thành một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, đang được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên chú trọng đầu tư.