Nghệ An: Phấn đấu đưa ngành công nghiệp không khói đạt mức 9.000 tỷ đồng
Với mong muốn đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, năm 2024 tỉnh Nghệ An đang phấn đấu doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt 9.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo năm 2023, các chỉ tiêu phát triển du lịch đã hoàn thành vượt mức so với kế hoạch được giao. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú dự kiến đạt 5.280.000 lượt, bằng 120% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế là 77.500 lượt, bằng 231% so với năm 2022; doanh thu du lịch dự kiến đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 139% so với năm 2022.
Cùng với đó, đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quảng bá du lịch Nghệ An trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Đẩy mạnh công tác liên kết phát triển du lịch giữa Nghệ An và các địa phương trọng điểm về du lịch trên cả nước.
Với mong muốn tạo một môi trường du lịch lành mạnh. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, trọng tâm là du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, …
Ngày 15/11/2023, Tỉnh uỷ Nghệ An đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó định hướng phát triển du lịch Nghệ An theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; phấn đấu đến năm 2030, du lịch cở bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hoá xứ Nghệ.
Trong đó, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển du lịch Nghệ An đến 2030 tầm nhìn 2035; các giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến du lịch nhằm khai thác có hiệu quả thị trường khách nội địa, quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước nhằm gắn Nghệ An vào chuỗi các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng để thu hút khách và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Nghệ An.
Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh hỗ trợ công tác quản lý nhà nước hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, phát triển các ứng dụng du lịch thông minh hỗ trợ doanh nghiệp và phục vụ khách du lịch.
Phát huy vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Sở Du lịch cần đa dạng các hình thức truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Nghệ An trên các nền tảng số, trang website, nền tảng mạng xã hội ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc sắc; tăng cường công tác kiểm tra tại các điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử văn hóa, khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú…
Mặt khác, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch thông minh trong thời gian tới.
Với những nổ lực và phấn đấu của tỉnh Nghệ An, năm 2024, ngành du lịch phấn đấu đón tổng lượt khách du lịch có lưu trú đạt 5.500.000 lượt (bằng 104% so với năm 2023), trong đó có 120.000 lượt khách quốc tế (bằng 155% so với năm 2023), doanh thu dịch vụ du lịch đạt 9.000 tỷ đồng (bằng 115% so với năm 2023).
Với chiến lược này, đến năm 2030, Nghệ An phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9-10%. Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch Châu Á và Thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.
Diễm Phước