Ngành Xây dựng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số
Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều giải pháp bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý, văn bản pháp luật nhằm thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng, hướng tới công tác chỉ đạo và cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, tháng 6 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký và ban hành Quyết định số 1004/QĐ-BXD “Về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” với quan điểm chỉ đạo nhất quán là: (1) Xác định phục vụ người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; (2) Chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công ngành Xây dựng; (3) Trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Xây dựng, phải nghiên cứu, xem xét lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số; (4) Chuyển đổi số phải được thực hiện từng bước, có lộ trình, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành Xây dựng; (5) Xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số; Thực hiện các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chuyển đổi số doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã ưu tiên 6 nhóm lĩnh vực để tập trung triển khai là: I) Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), số hóa các văn bản, chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá… phục vụ quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng cũng như các cơ quan quản lý về xây dựng ở địa phương; II) Xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Xây dựng; III) Các hoạt động liên quan đến công tác tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, thẩm định, thi công xây lắp, nghiệm thu công trình; IV) Sản xuất vật liệu xây dựng; V) Phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; VI) Quản lý nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, để cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ triển khai thực hiện Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, trong đó tập trung ban hành các quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.
Bộ sẽ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng” và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP), xây dựng khung quản lý, quản trị dữ liệu số ngành Xây dựng, triển khai số hóa kết quả giải quyết TTHC của Bộ; hoàn thành việc việc rà soát, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin để triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Xây dựng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo tại Thanh tra Bộ.