Masan muốn chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần tại Masan MEATLife
CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố nghị quyết về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Masan MEATLife.
Theo đó, MSN sẽ chuyển giao 257.248.169 cổ phần của Masan MEATLife (tương đương 78,63% vốn điều lệ) cho CTCP Masan Agri, một công ty thành viên khác của Công ty.
Việc chuyển giao có thể được thực hiện thông qua một hoặc nhiều giao dịch phụ thuộc vào nguồn tài chính của Công ty, sự phê chuẩn nội bộ và phê chuẩn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến giao dịch. Mục đích chuyển giao là tái cấu trúc nội bộ trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.
MSN ủy quyền cho Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT hoặc Ông Dunny Le, Tổng Giám đốc của Công tyquyết định cách thức, thời điểm và giá cho các giao dịch chuyển nhượng và thực hiện tất cả các hành động và thủ tục cần thiết khác.
Quyết định được đưa ra nhằm tái cấu trúc nội bộ trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Việc chuyển giao có thể được thực hiện thông qua một hoặc nhiều giao dịch phụ thuộc vào nguồn tài chính của công ty, sự phê chuẩn nội bộ và phê chuẩn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Masan MEATLife là sự hợp nhất hai công ty thức ăn chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam là ANCO và Proconco vào năm 2015. Công ty đầu tư vào phần còn lại của chuỗi cung ứng (trang trại, nhà máy chế biến, chuỗi bán lẻ trong năm 2017, 2018) và hoàn thành chuỗi 3F với việc ra mắt người tiêu dùng thịt sạch MEATDeli. Tính đến cuối năm 2022, thương hiệu thịt MEATDeli đã có mặt tại hơn 3.000 điểm bán trên toàn quốc.
Masan MEATLife hiện sở hữu trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao tại Nghệ An với tổng diện tích trên 223 ha, vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, có khả năng cung cấp 250.000 con heo mỗi năm.
Cùng với đó, Masan MEATLife đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng hai Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam và MEATDeli Sài Gòn. Hai tổ hợp có tổng công suất chế biến 2,8 triệu con/năm.
Trong quý 4/2022, Masan ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 20.643 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 1.323 tỷ đồng về còn 5.554,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm tới 9 lần về còn 654,3 tỷ đồng trong khi chi phí hoạt động được duy trì ở mức cao, lợi nhuận sau thuế của Masan do đó giảm 88,7% về còn 803,6 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu hợp nhất của Masan đạt 76.189,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 4.754,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 53% so với thực hiện của năm 2021.
Năm 2022, công ty đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu đạt 90.000 – 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 6.900 – 8.500 tỷ đồng. Với kết quả trên, Masan đã không hoàn thành kế hoạch đã đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2022.
Tiến Hoàng