Kinh Bắc (KBC) nhận chuyển nhượng 45 triệu cổ phiếu Phát triển Hưng Yên
KBC sẽ nhận thêm 45 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên để nâng sở hữu từ 60% lên 85% vốn điều lệ, thời gian dự kiến giao dịch ngày 31/12/2022 và giá dự kiến giao Ban Tổng giám đốc đàm phán, quyết định
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC – sàn HoSE) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án nâng sở hữu vốn tại CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.
Cụ thể, KBC sẽ nhận thêm 45 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên để nâng sở hữu từ 60% lên 85% vốn điều lệ, thời gian dự kiến giao dịch ngày 31/12/2022 và giá dự kiến giao Ban Tổng giám đốc đàm phán, quyết định.
Được biết, tính tới 30/9/2022, Kinh Bắc đang ghi nhận tỷ lệ lợi ích là 68,65% vốn tại CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản và người đại diện pháp luật là ông Đặng Thành Tâm.
Mới đây, KBC đã thông qua phương án sử dụng tài sản đảm bảo là 285 tỷ đồng khoản tiền gửi có kỳ hạn theo hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn giữa Kinh Bắc và Vietinbank - chi nhánh Ngô Quyền cho nghĩa vụ trả nợ của công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP).
Mục đích của khoản vay là để hợp tác đầu tư dự án Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Hội (Khu A) tại tỉnh Bình Định. Thời hạn bảo lãnh tính từ ngày 27/12 đến khi toàn bộ nghĩa vụ được bảo đảm của SHP đã được thực hiện xong.
Quý III/2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 203,2 tỷ đồng, giảm hơn 37% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng giảm 36% xuống 106 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm gần 39% xuống 97,3 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính 127% lên 83,3 tỷ đồng; trong đó chi phí tài chính với 141 tỷ đồng, lãi vay chiếm 90% với 127 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm 75% xuống 3,4 tỷ đồng nhưng chi phí doanh nghiệp tăng mạnh 86% lên hơn 72 tỷ đồng.
Trong kỳ, KBC ghi nhận khoản lợi nhuận từ công ty liên kết gần 2.000 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận là giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng phát sinh trong quý II/2022. Tuy nhiên, lúc này do tính chuyên môn cao, phức tạp cần nhiều thời gian nên KBC đã phối hợp với các bên (có E&Y) để khắc phục và ghi nhận vào quý III/2022.
Kết quả, KBC báo lãi quý III/2022 tăng đột biến lên 1.936 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 59 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu 1.288,5 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 2.135 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Tổng tài sản tính đến cuối tháng 9/2022 đạt 33.375 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm; trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 80% với hơn 26.550 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền giảm 48,3% xuống 1.323 tỷ đồng; chứng khoán kinh doanh tăng gần 10% lên 2.042 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 13% xuống 135,5 tỷ đồng; phải thu về cho vay ngắn hạn tăng 37,5% lên 3.169 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng 4% lên 11.983 tỷ đồng, tương đương 36% tổng giá trị tài sản. Giá trị này bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí lãi vay vốn hóa (191 tỷ đồng) và các chi phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện các khu công nghiệp, các dự án bất động sản do Kinh Bắc phát triển để bán. Phần lớn hàng tồn kho được doanh nghiệp sử dụng để thế chấp cho các khoản vay dài hạn.