Duy trì thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là phù hợp
Theo Bộ Tài chính, việc duy trì thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp và chưa thể bỏ trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2. Theo đó, cử tri phản ánh, tình hình kinh tế khó khăn, nguy cơ Việt Nam đối mặt lạm phát tăng cao. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Cử tri đề nghị Chính phủ giảm, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế này đối với xăng các loại, không thu thuế đối với dầu. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
"Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này như Pháp, Đức, Anh, Hàn Quốc...", Bộ này cho biết.
Đặc biệt, theo cơ quan quản lý trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang là vấn đề toàn cầu, cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với các giải pháp khác thì việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng như hiện nay vẫn là phù hợp, góp phần giảm phát thải.
Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế VAT đối với xăng dầu hồi tháng 10/2022, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut...
Tuy nhiên, trong báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, đã nêu rõ dự báo xu hướng giá dầu thô thế giới năm 2023 là thấp hơn so với năm trước. Do đó, việc thiết kế cơ chế dự phòng trong điều hành giá xăng dầu trong nước thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng là chưa thực sự cần thiết.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế. Do đó, việc điều chỉnh mức thuế này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Giữ sắc thuế sẽ giúp tiết kiệm năng lượng
Từng cho ý kiến về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, chúng ta chưa nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, vì xăng dầu được coi là một loại hàng hóa đặc biệt, dù không phải là hàng hóa xa xỉ, nhưng rõ ràng có tính chất đặc biệt, nó tiêu hao, mất đi trong tiêu dùng, có thể gây ô nhiễm môi trường và nó cũng là loại toàn tài nguyên không tái tạo được.
Cho nên việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần điều tiết hành vi tiêu dùng, cũng như tiết kiệm năng lượng.
Thứ hai, việc áp dụng thuế này nó cũng khá là phù hợp với cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải ra môi trường và cũng khá là phù hợp với thông lệ quốc tế khi một số nước trong khu vực cũng đã và đang áp dụng các loại thuế này như: Úc Ấn Độ, Philippines, Thái Lan…
"Chúng ta không nên tạm bỏ, chúng ta chỉ nên tạm giảm như một số sắc thuế khác. Thuế này cũng nên cân nhắc theo phương án giảm mức thuế suất tương tự chứ còn không nên bỏ hẳn, bởi nếu bỏ hẳn thì tạo ra một tiền lệ và sau này khôi phục nó là tương đối khó" - TS. Cấn Văn Lực nói.
Hà Lan