Đông Nam Bộ: Phát triển logistics chưa tương xứng tiềm năng
Đông Nam Bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của cả nước, nhưng theo đánh giá của chuyên gia, logisitcs tại Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có sự khắc phục kịp thời để phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng.
Nhiều hạn chế, bất cập
Theo Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra các “điểm nghẽn” phát triển vùng.
Cụ thể, đó là mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực logistics chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất-xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics hiệu quả thấp; chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng.
Đông Nam Bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước. Tuy nhiên, Đông Nam Bộ hiện có nhiều "điểm nghẽn," nổi bật là cơ sở hạ tầng, vấn đề quan trọng tác động đến hoạt động logistics.
Theo ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh (HLA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, đây là "điểm nghẽn" dẫn đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp logistics.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu bởi đường nhỏ, hẹp, tải trọng hạn chế (đặc biệt đối với hàng container và hàng công trình); quá nhiều giao lộ gây tắc nghẽn, xung đột giao thông.
"Trong khi giao thông đường bộ chưa đáp ứng tải trọng phù hợp giao thương hàng hóa, kết nối cảng với các khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng thì vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả vì thiếu kết nối giữa đường sắt-đường bộ-đường thủy nội địa. Việc đầu tư các phương thức này thiếu đồng bộ, thường vênh nhau và thiếu sự thống nhất cả về mục tiêu, kế hoạch thời gian thực hiện," ông Cường đánh giá.
Cụ thể, toàn vùng Đông Nam Bộ hiện chỉ có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các dự án quy hoạch đường vành đai và trục giao thông kết nối đang chậm triển khai. Về đường thủy, vùng có sáu tuyến nội địa tuy nhiên nhiều cầu vượt sông trên các tuyến chính không bảo đảm tĩnh không, khoang thông thuyền (cầu Bình Triệu, cầu Bình Phước).
Đối với TP.HCM, là địa phương trọng điểm tại khu vực Đông Nam Bộ, TP.HCM kỳ vọng phát triển các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, hình thành đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt, có khả năng dẫn dắt thị trường dịch vụ logistics khu vực phía Nam và cả nước.
Ông Nguyễn Công Luân, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công thương TP.HCM cho rằng, hoạt động logistics tại TP.HCM cũng đang gặp phải nhiều trở ngại, nổi bật trong số đó là hiện trạng về hạ tầng. Theo đề án đã được phê duyệt, TP.HCM xây dựng 8 trung tâm logistics quy mô lớn và đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP.HCM đạt 15% và đến năm 2030 đạt 20%. Tuy nhiên, hiện mới có Trung tâm logistics khu công nghệ cao (6 ha) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng, các trung tâm logistics còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Qua khảo sát, thống kê có thể thấy dịch vụ logistics hiện nay phát triển có phần chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng Đông Nam Bộ, chi phí logistics còn cao và sự liên kết giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho rằng, logistics vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều tồn đọng, hạn chế, đòi hỏi phải có sự khắc phục kịp thời.
"Cần tính đến lợi ích chung của cả vùng hơn là lợi ích của địa phương. Có chính sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP.HCM" – ông Tuấn nhận định.
Theo ông Huỳnh Văn Cường, nhằm giải quyết những vướng mắc này, thời gian qua, từng địa phương đã đề xuất và triển khai nhiều phương án, chiến lược với mục tiêu cải thiện hơn hoạt động logistics, tăng cường kết nối logistics vùng. Tuy nhiên, việc kết nối hạ tầng vùng là một bài toán khó, đòi hỏi các địa phương phải cùng chung tay, phát huy tiềm lực của địa phương mình cùng với đó là đóng góp các sáng kiến nhằm hoàn thiện, thúc đẩy hoạt động logistics vùng thuận lợi nhất.
Theo thống kê, vùng Đông Nam bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm 49,2% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước.
Số lượng doanh nghiệp logistics tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương là gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai có hơn 1.200 doanh nghiệp.
Từ góc độ của chuyên gia pháp lý, ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam đã trao đổi về các tranh chấp phát sinh từ hoạt động logistics, một số hệ quả và khuyến nghị cho doanh nghiệp.
Theo đó, với kinh nghiệm tham gia giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực logistics, các doanh nghiệp, khi thực hiện giao dịch, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng trong việc xây dựng, bổ sung và điều chỉnh quy định hợp đồng, cũng như chú ý xem xét kỹ các điều kiện kinh doanh chuẩn để tránh tạo những bất lợi không đáng có trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Đồng thời, ông Lễ cũng đưa ra một số vụ việc điển hình liên quan đến vấn đề chứng từ, điều khoản bất khả kháng,…”Đây là những vấn đề phổ biến, dễ phát sinh tranh chấp mà doanh nghiệp gặp phải thời gian qua và có thể là trong thời gian tới nếu không được giải thích, khuyến nghị kỹ càng” – ông Lễ phân tích.