0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 05/08/2024 09:40 (GMT+7)

Đông Bắc Á – Thị trường nhiều tiềm năng cho trái cây Việt Nam

Theo dõi KT&TD trên

Nhiều loại trái cây Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường Đông Bắc Á, góp phần quan trọng vào việc đạt mục tiêu xuất khẩu rau quả 7 tỷ USD trong năm 2024.

Tính đến hết tháng 7, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã đạt 3,8 tỷ USD, trong đó sầu riêng đóng góp 40% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Kết quả này có được nhờ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã chính thức có hiệu lực, mở cửa thị trường và cắt giảm thuế quan cho nhiều mặt hàng nông sản và trái cây của Việt Nam.

Đáng chú ý, các thị trường khu vực Đông Bắc Á, ngoài Trung Quốc thì Hàn Quốc, Nhật Bản đang có sự bứt phá ngoạn mục, chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Đông Bắc Á – Thị trường nhiều tiềm năng cho trái cây Việt Nam - Ảnh 1

Ông Đặng Phúc Nguyên phân tích: Trung Quốc là thị trường đông dân, nhu cầu tiêu thụ rau quả cao, đã là khách hàng truyền thống của nhiều loại trái cây Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia đông dân, có thu nhập cao, có nhu cầu lớn về nông sản, trái cây chất lượng.

Hai quốc gia này cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi xuất khẩu vào các thị trên không những hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics và duy trì được chất lượng nông sản so với khi xuất sang những thị trường xa như EU, Hoa Kỳ.

Về khách quan, từ đầu năm 2024, căng thẳng khu vực Biển Đỏ khiến dòng luân chuyển hàng hoá từ châu Á sang châu Âu, châu Mỹ và ngược lại bị kéo dài, cước vận chuyển tăng cao gấp 2 – 3 lần so với trước đó. Điều này khiến hàng hoá, đặc biệt là nông sản từ các khu vực châu Âu, châu Mỹ gặp khó khi xuất sang châu Á. Trong bối cảnh đó, Việt Nam với lợi thế về mặt địa lý, chủng loại trái cây đa dạng, chất lượng ngày càng cao trở thành nguồn cung được các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ưu tiên nhập khẩu.

Ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết: Trong khối thị trường RCEP, số lượng sản phẩm nông sản được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, hiện là 12 sản phẩm gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, khoai lang; thêm dừa, chanh leo và ớt được xuất khẩu tạm thời.

Xếp kế tiếp là New Zealand có 5 loại quả gồm xoài, thanh long, chôn chôm, chanh, bưởi. Nhật Bản cho phép nhập khẩu thanh long, xoài, vải, nhãn từ Việt Nam. Hàn Quốc nhập khẩu thanh long, xoài và mới đây nhất đã chính thức cấp phép cho trái bưởi tươi của Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đàm phán mở cửa cho trái bưởi tươi và sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, bưởi vào Nhật Bản…

Theo ông Quang, khi một mặt hàng được thị trường mới chấp nhận sẽ mở ra cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu và khẳng định vị thế cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mở cửa thị trường không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian và công sức, một số mặt hàng đàm phán, đánh giá rủi ro mất 3 -5 năm, thậm chí lâu hơn mới ký được nghị định thư.

Do đó, khi đã mở được cửa, người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu phải tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra. Tránh trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” khi một doanh nghiệp, một lô hàng vi phạm cả ngành hàng bị cảnh báo hoặc dừng xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thành Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhận định: Trái cây Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng cao, được người tiêu dùng nhiều thị trường yêu thích. Sau thời gian hội nhập quốc tế, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu đã chủ động cập nhật các thông tin, quy định của thị trường về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật...

Tuy nhiên, chuỗi giá trị nông sản bắt đầu từ người sản xuất là nông dân, nhóm chủ thể có ít điều kiện nắm bắt các thay đổi quy định, chính sách của thị trường. Do đó, các cơ quan quản lý, địa phương và cả doanh nghiệp cần tích cực hỗ trợ nông dân nâng cao nhận thức, năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường; cải thiện mẫu mã, bao bì sản phẩm, góp phần xây dựng và củng cố thương hiệu trái cây, nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Bạn đang đọc bài viết Đông Bắc Á – Thị trường nhiều tiềm năng cho trái cây Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khát vọng an cư giữa thị trường đầy biến động
Những năm gần đây, thị trường bất động sản Việt Nam liên tục biến động, tạo nên bức tranh nhiều sắc thái và không ít thách thức. Giữa lãi suất dao động, giá nhà lên xuống, chính sách thay đổi, vẫn luôn hiện hữu một khát vọng bền bỉ của người Việt: khát vọng an cư.

Tin mới

SeABank tổ chức “Ngày hội đổi rác lấy quà” - Lan tỏa lối sống xanh vì Hà Nội sạch đẹp
Hướng đến mục tiêu xây dựng lối sống xanh và nâng cao ý thức phân loại rác trong cộng đồng, Ngân hàng SeABank phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) triển khai chương trình thường kỳ “Ngày hội đổi rác lấy quà” tại trụ sở SeABank số 25 Trần Hưng Đạo, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chọn ô tô đầu tiên, mua xe gì trong khoảng 500 triệu đồng?
Với mức giá dưới 500 triệu đồng sau khi áp dụng nhiều chính sách ưu đãi và miễn lệ phí trước bạ, cùng chi phí vận hành hợp lý của xe điện, VinFast VF 5 đang trở thành lựa chọn phù hợp cho nhiều người tiêu dùng Việt có nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân mà không cần đầu tư quá lớn.
“Siết” thuế bán hàng online: Tăng thu ngân sách, đảm bảo công bằng kinh doanh
Trong bối cảnh TMĐT phát triển bùng nổ tại Việt Nam, việc bán hàng qua các nền tảng trực tuyến đã trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế, nhất là khi có không ít cá nhân, hộ KD online chưa kê khai không đầy đủ.