Điện Gia Lai (GEG) tạm dừng chào bán hơn 30 triệu cổ phiếu do thị giá giảm còn 13.000 đồng/CP
Theo kế hoạch ban đầu, GEG dự kiến phân phối 30,37 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành là 1.000:94 với giá 14.000 đồng/cp. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của GEG sẽ tăng từ 3.219 tỷ đồng lên 3.523 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG - HOSE) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án tạm dừng chào bán hơn 30,37 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 14.000 đồng/cp.
GEG cho biết sẽ thực hiện xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành mới tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 sắp tới. Sau khi phương án này được gia hạn, GEG sẽ thực hiện việc phát hành ESOP. Lý do việc tạm dừng chào bán cổ phiếu do chốt phiên 7/12, cổ phiếu GEG tạm dừng ở 13.000 đồng/cp, thấp hơn giá chào bán cho cổ đông.
Theo kế hoạch ban đầu, GEG dự kiến phân phối 30,37 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành là 1.000:94 với giá 14.000 đồng/cp. Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của GEG sẽ tăng từ 3.219 tỷ đồng lên 3.523 tỷ đồng.
Số tiền tối đa thu được từ đợt huy động vốn là 425 tỷ đồng sẽ dùng để góp vốn vào CTCP Năng lượng Điện Gió Tiền Giang nhằm triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Tân Phú Đông 1. Thời gian góp vốn dự kiến trong quý IV/2022.
Ngoài việc tạm dừng phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, HĐQT GEG còn thông qua việc giải thể công ty con là Công ty TNHH MTV Điện Mặt trời Phong Điền. Đây là công ty có vốn điều lệ 120 tỷ đồng được thành lập tháng 7/2019, trụ sở đặt tại phường Vỹ Dạ, TP Huế.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022 đơn vị ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 521 tỷ đồng, tăng trưởng 67%. Dù giá vốn đội lên gấp hơn 2 lần (gần 303 tỷ đồng), Công ty vẫn lãi gộp gần 219 tỷ đồng, đạt tăng trưởng 21% so với cùng kỳ 2021.
Doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ tăng đột biến lên gần 175 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ, với hầu hết là khoản lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phần (165 tỷ đồng). Chi phí tài chính cũng tăng mạnh lên gần 178 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay chiếm gần 147 tỷ đồng.
GEC hiện đang vận hành và thi công 23 nhà máy năng lượng tái tạo đa dạng loại hình từ thủy điện, điện mặt trời, áp mái và điện gió tại 14 tỉnh, thành phố với tổng công suất 728 MWp đưa doanh thu bán điện trở thành nguồn doanh thu chính của Công ty với tỷ trọng 92% trong doanh thu thuần. Nguồn doanh thu này ghi nhận sự tăng trưởng và đạt 1.472 tỷ đồng; còn lại là doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và xây lắp.
5 nhà máy điện mặt trời và 34 hệ thống áp mái 300 MWp đạt sản lượng 302 triệu kWh, tương đương 668 tỷ đồng doanh thu - chiếm 39% sản lượng và 46% doanh thu bán điện.
Đứng thứ 2 trong đóng góp sản lượng và doanh thu bán điện là 3 nhà máy điện gió 130 MW tại Tiền Giang, Gia Lai và Bến Tre với 239 triệu kWh và 534 tỷ đồng, lần lượt chiếm 31% và 36%.
Nhờ vào tình hình thủy văn thuận lợi nên 12 nhà máy thủy điện - 81 MW tại các khu vực Gia Lai, Lâm Đồng và Huế ghi nhận 229 triệu kWh sản lượng điện tương ứng 271 tỷ đồng doanh thu bán điện, tăng 29% cùng kỳ và chiếm 30% sản lượng - 18% doanh thu bán điện của toàn hệ thống.
Các nhà máy năng lượng tái tạo đã sản xuất 770 triệu kWh sản lượng điện, tăng trưởng so với cùng kỳ, góp phần giảm phát thải CO2 thêm 650.650 tấn so với dự kiến 845.000 tấn CO2 của năm 2022.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản đạt 16.157 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm, đến từ sự tăng trưởng của tài sản ngắn hạn với tỷ lệ tăng 47%.
Tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh 160% lên 650 tỷ đồng đảm bảo các chỉ số về thanh toán và Hệ số Khả năng thanh toán lãi vay trong các năm gần đây luôn duy trì ở mức 2 lần - đáp ứng tốt khả năng trả lãi của Công ty.
Tài sản dài hạn dở dang ghi nhận 3.958 tỷ đồng chủ yếu là dự án Điện Gió Tân Phú Đông 1 - 100 MW đang xây dựng và dự kiến đi vào vận hành vào cuối năm 2022.
Tổng nợ vay tính đến cuối tháng 9/2022 ghi nhận 7.781 tỷ đồng nhưng hệ số nợ vay/vốn Chủ sở hữu và nợ vay/tổng tài sản đã cải thiện đáng kể khi lần lượt giảm 16% và 15% so với đầu năm với sự tăng trưởng của tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tương ứng.