Đầu tư Thăng Long (TIG) phát hành 24 triệu cổ phiếu để hủy động 240 tỷ đồng
TIG dự kiến dùng 192 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ; 30 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp là CTCP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Hà Nội; còn lại 18 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đô.
Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn từ 4 nhà đầu tư.
Theo đó, TIG sẽ chào bán 24 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cp để huy động 240 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương dự kiến mua thêm 7 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 3,66% vốn điều lệ, tương ứng 7,3 triệu cổ phiếu; bà Phạm Thị Hồng Nhung dự kiến mua thêm 6 triệu cổ phiếu để nâng lượng nắm giữ lên 7,08 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,54% vốn điều lệ. Hai nhà đầu tư còn lại hiện chưa là cổ đông của TIG - Ông Nguyễn Đức Duy và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh dự kiến mua 6 triệu cổ phiếu và 5 triệu đơn vị.
Về mục đích sử dụng tiền huy động được từ đợt chào bán, TIG dự kiến dùng 192 tỷ đồng góp vốn đầu tư vào CTCP Đầu tư Thăng Long Phú Thọ; 30 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp là CTCP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Hà Nội; còn lại 18 tỷ đồng trả nợ nhà cung cấp CTCP Đầu tư và Thương mại Xuất nhập khẩu Thủ Đô.
Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ khi hoàn thành đợt chào bán và dự kiến triển khai sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Trong quý III/2022, Đầu tư Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 188,77 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 24,25 tỷ đồng, giảm 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 319% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 35,47 tỷ đồng lên 46,59 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 75%, tương ứng giảm 24,09 tỷ đồng về 8,03 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 670,8%, tương ứng tăng thêm 14,22 tỷ đồng lên 16,34 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 16,5%, tương ứng tăng thêm 0,93 tỷ đồng lên 6,58 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm trong quý III, nguyên nhân chủ yếu do hụt doanh thu tài chính và chi phí tài chính tăng cao.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Đầu tư Thăng Long ghi nhận doanh thu đạt 609,29 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 179,41 tỷ đồng, tăng 93,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Đầu tư Thăng Long đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 224,62 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 64,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, Đầu tư Thăng Long tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 359,85 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 71,25 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 120,54 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 499,94 tỷ đồng, chủ yếu phát hành thêm cổ phiếu và tăng vay nợ.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, Đầu tư Thăng Long đã tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Theo tìm hiểu, cổ phiếu TIG được niêm yết trên sàn HNX từ năm 2010 tới nay. Xem dữ liệu lịch sử từ năm 2010 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh âm kỷ lục như 9 tháng đầu năm 2022, năm dòng tiền âm lớn nhất là năm 2016 với giá trị âm 154,31 tỷ đồng.