DA bệnh viện Đa khoa Phúc Thái nghìn tỷ 10 năm “đắp chiếu”
Được khởi công xây dựng từ năm 2013, đến nay dự án Bệnh viện Đa khoa Phúc Thái (phường Cải Đan, thành phố Sông Công) vẫn đang “đắp chiếu” chờ ngày hoàn thành.
Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Phúc Thái đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư là Bệnh viện đa khoa loại II với quy mô 600 giường bệnh và khu điều trị phục hồi chức năng được xây dựng trên diện tích trên 27 nghìn m2.
Theo kế hoạch, Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có quy mô 400 giường bệnh với 14 khoa và 4 phòng chức năng. Dự kiến, Bệnh viện hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ có 315 lao động là cán bộ chuyên môn, kỹ thuật và cán bộ quản lý vào làm việc.
Mục tiêu của Bệnh viện là sẽ có đủ các chuyên khoa trong đó tập trung vào cấp cứu và điều trị các bệnh về tim mạch, tiêu hóa, các chuyên khoa và ngoại vi phẫu. Tổng mức đầu tư toàn Dự án là trên 2 nghìn tỷ đồng, 100% là nguồn vốn trong nước.
Dự kiến đến hết quý II năm 2013 Dự án sẽ hoàn thành giai đoạn I, giai đoạn II tiếp tục được thực hiện vào cuối năm 2015, đầu năm 2016. Bệnh viện đa khoa Phúc Thái đưa vào sử dụng sẽ cùng với các bệnh viện trong tỉnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân.
Từ năm 2012, hơn 30 hộ dân tại phường Cải Đan, thành phố Sông Công đã đồng thuận bàn giao gần 3ha đất sản xuất cho Công ty Cổ phần Công nghiệp và thương mại Phúc Thái có trụ sở tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi trên toàn quốc. Theo các chuyên gia, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có rất nhiều nội dung cần góp ý để hoàn thiện. Trong đó, vấn đề xử lý các dự án chậm triển khai, dự án treo, dự án "ngâm đất" đang là điều khiến dư luận quan tâm nhất. Bởi lâu nay, các dự án treo đang khiến tài nguyên đất bị lãng phí một cách trầm trọng.
Thực tế cho thấy, tại TP.Hà Nội và nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh...hiện nay có rất nhiều dự án "treo", "ngâm" đất nhiều năm gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế. Thậm chí, nhiều dự án bị sử dụng sai mục đích, trục lợi cho một nhóm đối tượng.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi Trường cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong cả nước. Với vai trò và chức năng nhiệm vụ của mình, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam giao Viện Chính sách Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm: "Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam".
Theo Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.
"Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?. Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)", PGS.TS Trương Mạnh Tiến đặt vấn đề.
Còn nữa...
Nguyên Mạnh - Hải Tuyết