Chứng khoán SSI sẽ phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP
Thời gian thực hiện dự kiến quý IV/2022 đến hết năm 2023, số cổ phiếu này chỉ được chuyển nhượng 50% sau 2 năm và 50% còn lại sau 3 năm kể từ ngày phát hành.
Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (Mã chứng khoán: SSI) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/CP cho các đối tượng là Thành viên HĐQT, nhân sự chủ chốt của SSI và công ty con.
Thời gian thực hiện dự kiến quý IV/2022 đến hết năm 2023, số cổ phiếu này chỉ được chuyển nhượng 50% sau 2 năm và 50% còn lại sau 3 năm kể từ ngày phát hành.
Quý 3/2022, SSI ghi nhận doanh thu hoạt động giảm 25% so với cùng kỳ, xuống còn 1,286 tỷ đồng. Hầu hết mảng hoạt động đều thấp hơn so với cùng kỳ. Doanh thu từ mảng cho vay ở mức 406.1 tỷ đồng, giảm 6%. Doanh thu môi giới giảm gần 50%, xuống còn 339.4 tỷ đồng. Doanh thu từ bảo lãnh phát hành và hoạt động tư vấn cũng giảm mạnh 57% và 89%, xuống còn 2 tỷ đồng và 3.2 tỷ đồng. Tuy vậy, mảng tự doanh lại có quý tích cực.
Cụ thể, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 429.5 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ từ tài sản FVTPL giảm 28%, còn 162.2 tỷ đồng.
Mặc dù lãi từ khoản đầu tư HTM giảm đáng kể 62% so với cùng kỳ, còn 81.3 tỷ đồng, nhưng sau khi trừ đi chi phí, tự doanh quý 3 vẫn báo lãi 334 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính quý 3 xấp xỉ cùng kỳ, ở mức 322 tỷ đồng.
Trong quý 3, SSI không còn ghi nhận khoản thu nhập khác hơn 110 tỷ đồng như cùng kỳ, do đó ảnh hưởng không ít tới lợi nhuận. Tổng kết quý này, Công ty báo lãi sau thuế 309.1 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của SSI đạt 4,824.3 tỷ đồng, giảm 2%. Lãi sau thuế ở mức 1,409 tỷ đồng, giảm 15%.
Tổng tài sản của SSI tới cuối quý 3 hơn 44.8 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 10% so với đầu năm. Danh mục tài sản FVTPL và các khoản cho vay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Công ty, hơn 82%. Tại thời điểm lập BCTC quý 3, giá trị tài sản FVTPL của Công ty hơn 21.2 ngàn tỷ đồng, gần gấp 2 lần đầu năm. Ngược lại, dư nợ cho vay giảm 34%, về gần 15.6 ngàn tỷ đồng.
Các khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn cũng có giá trị đáng kể. Tuy vậy, khoản mục này giảm mạnh gần 60% so với đầu năm, còn 3.2 ngàn tỷ đồng.
Ở phần tài sản dài hạn, SSI nắm hơn 3 tỷ đồng, bao gồm các khoản đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn, đầu tư vào công ty con và công ty liên doanh liên kết. Giá trị nắm giữ giảm hơn 20% so với đầu năm.