Bỏ độc quyền và những nỗi lo mới về vàng
Theo giới chuyên gia, việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng chỉ giúp hạ nhiệt giá vàng trong ngắn hạn. Trong khi đó, việc này sẽ tác động đến tỷ giá.
Ngay cả việc nhập khẩu và đấu thầu tăng cung vàng cũng chỉ là tình thế và sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Thị trường cần giải pháp căn cơ không chỉ cho vàng mà cho sự ổn định chính sách tiền tệ.
Sốt giá và nỗi lo vàng hóa
Không chỉ là “hầm trú ẩn” trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, vàng đang trở thành kênh đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao nhất từ đầu năm đến nay. Trong hơn 3 tháng qua, giá vàng thế giới tăng 16%, giá vàng nhẫn trong nước tăng tới 25%.
Từ đầu tháng 4, thị trường chứng kiến mức tăng đáng kinh ngạc của giá vàng thế giới. Giá vàng vượt xa ngưỡng 2.400 USD/ounce và nhiều nhà phân tích nhận định giá vàng quốc tế có thể chạm tới mốc 3.000 USD/ounce trong năm nay.
Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng “nóng” hơn bao giờ hết. Từ đầu năm, giá vàng liên tục lập những kỷ mới. Giá vàng nhẫn tròn trơn chạm mốc 78,6 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng miếng SJC vượt 85 triệu đồng/lượng.
Trong cơn sốt, tại các hãng vàng, giá vàng liên tục được điều chỉnh theo từng giờ. Người mua - bán tấp nập. Tình trạng cháy hàng xuất hiện, nhiều cửa hàng hạn chế số lượng vàng nhẫn bán ra. Nguồn cung khan hiếm, cầu tăng đột biến, các công ty kinh doanh vàng đẩy giá bán tăng mạnh đồng thời nâng chênh lệch giá mua – bán kể thu lợi.
Một dòng tiền không nhỏ đang dịch chuyển sang vàng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán khó khăn, lãi suất thấp. Dòng tiền lớn đổ vào khiến cho cơn sốt vàng trở nên khó kiểm soát. Và khi một nguồn tiền lớn dồn mua vàng mà không đầu tư, sản xuất sẽ có những hệ lụy lâu dài.
Quản lý thị trường vàng càng thêm thách thức trong bối cảnh tỷ giá cùng nóng và nỗi lo vàng hóa nền kinh tế có nguy cơ quay lại. Thực tế này khiến Chính phủ nhiều lần bày tỏ lo ngại nguy cơ vàng hóa nền kinh tế. Nếu tình trạng này xảy ra, nền kinh tế sẽ diễn ra 2 hệ lụy: tỷ giá lên cơn sốt, đồng thời một lượng vốn lớn sẽ bị chôn chặt vào vàng, thay vì chảy vào sản xuất - kinh doanh.
Từ cuối năm 2023, khi thị trường vàng trong nước bắt đầu biến động mạnh, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá lại các chính sách điều tiết thị trường vàng, đặc biệt xem xét Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Mới đây nhất, ngày 12/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai ngay các giải pháp quản lý thị trường vàng thời gian tới. Cụ thể, đối với vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới; đối với vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc đấu thầu tăng cung vàng miếng ra thị trường, đồng thời giám sát và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng và tuyên bố sẽ tăng cung vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, thị trường vàng đã có phản ứng. Phiên 13/4, giá vàng miếng SJC giảm 2 triệu đồng về mốc 83 triệu đồng/lượng. Tương tự, giá vàng nhẫn một số thương hiệu cũng giảm 2 triệu, về lại mức 76 triệu đồng/lượng bán ra.
Theo chuyên gia Trần Duy Phương, giá vàng trong nước sẽ giảm mạnh khi hội đủ hai yếu tố là khi thị trường có thêm nguồn cung và giá vàng thế giới quay đầu giảm.
Cần giải pháp căn cơ
Giới chuyên gia cho rằng, mục tiêu chống “đô la hóa”, “vàng hóa” của Nghị định 24 đã đạt được. Song đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước nên sửa Nghị định 24 để phát triển thị trường vàng cân đối hơn.
Để bình ổn thị trường vàng, giải pháp được nhiều chuyên gia nêu ra nhất là cho phép nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung; bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC để giảm chênh lệch giá loại vàng này so với giá thế giới. Song nhiều ý kiến lo ngại, việc sử dụng USD để nhập khẩu vàng có thể không phải là lựa chọn tốt nhất, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tăng khá mạnh, lãi suất đồng USD trên thế giới ở mức cao. Việc nhập vàng ảnh hưởng đến tỷ giá và khi tăng nguồn cung, thanh khoản tốt chỉ doanh nghiệp vàng hưởng lợi.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM, cho rằng việc xóa bỏ độc quyền sẽ giúp thị trường vàng chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh. Khi nguồn cung dồi dào hơn, giá vàng trong nước có thể giảm. Nhưng đó có thể chỉ là giải pháp làm hạ nhiệt giá vàng trong thời gian ngắn chứ chưa hẳn là cách giải quyết tốt nhất. “Nếu thị trường chuyển từ độc quyền sang độc quyền nhóm, tức chỉ một số doanh nghiệp được phép kinh doanh và phân phối vàng miếng thì cấu trúc thị trường cũng sẽ không thay đổi quá nhiều khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn có thể thống nhất giá với nhau để cùng có lợi chung”, ông Huân nhìn nhận.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai các giải pháp khác về dài hạn nhằm giảm sức hấp dẫn của vàng trong nền kinh tế. Bởi nếu người dân làm bao nhiêu mua vàng bấy nhiêu thì lấy vốn đâu để tái đầu tư sản xuất kinh doanh? Khi đó, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với vấn đề nhập siêu và áp lực tỷ giá khi phần lớn ngoại tệ phải dùng cho việc nhập vàng.
TS Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế tài chính, cho hay giá vàng trong nước tăng cao tạo ra sự khó khăn cho điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Muốn hạ giá vàng trong nước bằng với giá vàng thế giới không có cách nào khác là nhập khẩu vàng. Khi nhập vàng, thanh khoản sẽ cao, thị trường sôi động và người dân đổ tiền vào thị trường vàng nhiều hơn. Song, nền kinh tế đang thiếu vốn, nếu tiền đổ vào vàng nhiều sẽ không được đầu tư vào sản xuất. Thị trường vàng như vậy mang tính chất đầu cơ mà không tạo ra giá trị.
Theo ông Độ, việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ảnh hưởng đến tỷ giá nhưng không lớn. Do đó, việc nhập vàng chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Người dân mua với giá cao thì bán với giá cao, mua thấp thì bán thấp chứ không phải là đối tượng hưởng lợi lớn nhất.
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng không cần lo ngại vàng hóa nền kinh tế bởi tình trạng vàng hóa chỉ xảy ra khi cho phép ngân hàng huy động vàng dưới hình thức tiền gửi. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã cấm các ngân hàng thương mại huy động vàng.
Theo ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước cần cho phép nhập khẩu vàng và bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Trên thực tế, dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước không cho phép nhập khẩu vàng nhưng tiêu thụ vàng mỗi năm vẫn khoảng 55 tấn. Điều này cho thấy một lượng lớn vàng nhập lậu vẫn chảy vào trong nước. Vì vậy, câu chuyện cho nhập khẩu vàng sẽ dẫn tới cầu ngoại tệ tăng vọt là khó xảy ra. Vì thế, nhiều chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng theo hạn ngạch nhất định, đồng thời khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức để cân đối cung - cầu ngoại tệ.
Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP. HCM, trong khi chờ đợi một chiến lược căn cơ cho thị trường vàng, cần đánh giá chính xác giá trị gia tăng của ngành chế tạo vàng trang sức để làm căn cứ ưu tiên nhập vàng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế tác.
Ông Thơ tính toán, cứ 100 tấn vàng nhập khẩu, nếu sử dụng 20 tấn để chế tạo vàng trang sức xuất khẩu và giá trị gia tăng của vàng xuất khẩu là 4 lần thì có thể bù đắp lượng ngoại tệ nhập 80 tấn còn lại cho thị trường nội địa. Hoạt động này sẽ tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách. Giải pháp trên có thể giảm bớt phần nào chênh lệch giá vàng nhưng không tác động đáng kể đến tỷ giá và dự trữ ngoại hối quốc gia.
Mai Hạnh