0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 28/08/2023 07:50 (GMT+7)

Thêm tin vui cho xuất khẩu điện sạch Việt Nam

Theo dõi KT&TD trên

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc cấp phép khảo sát biển cho dự án xuất khẩu điện sang Singapore.

Mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức chấp thuận tiến hành hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển phục vụ dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Xuất khẩu điện sạch...

Như báo chí đã thông tin, ngày 10/2/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính, TCT Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ và trao Thỏa thuận Phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.

Theo JDA, PTSC và SCU sẽ hợp tác theo hình thức độc quyền để đầu tư dự án sản xuất khoảng 2,3 GW điện từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam và xuất khẩu sang Singapore qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển.

Sự hợp tác này đánh dấu sự kiện hợp tác đầu tiên giữa hai doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam và Singapore, góp phần hình thành và phát triển lưới điện xuyên biên giới ASEAN. Đồng thời, hiện thực hóa khuôn khổ “Quan hệ đối tác kinh tế số - kinh tế xanh” giữa hai nước nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Singapore (1973-2023) và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore (2013-2023).

Để thúc đẩy dự án đầu tư hiện thực Biên bản này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cấp phép khảo sát biển cho dự án xuất khẩu điện sang Singapore. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, nghiên cứu cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan tới việc chấp thuận các hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển.

Trong đó, có đánh giá tiềm năng năng lượng gió và các loại năng lượng tái tạo khác trên biển, bảo đảm thuận lợi cho triển khai thực hiện, đáp ứng các mục tiêu phát triển. Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết liệt, khẩn trương xử lý kiến nghị của PVN và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 25/8.

Trước đó, ngày 11/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về nội dung khảo sát các vùng biển tiềm năng để hướng đến đầu tư dự án điện gió ngoài khơi nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Quy hoạch Điện VIII. Tại cuộc họp, PTSC đã trình bày báo cáo khảo sát biển hướng tới đầu tư dự án điện gió ngoài khơi phục vụ trong nước và xuất khẩu điện sang Singapore.

Theo đó, PTSC đề xuất khu vực dự kiến triển khai Dự án là khu vực biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng hiện tích 99.322 ha. Dự án có công suất phát điện dự kiến 2.300 MWm.

Thêm tin vui cho xuất khẩu điện sạch Việt Nam
Dự án điện gió ngoài khơi xuất khẩu điện sang Singapore được cấp phép khảo sát biển. (Ảnh minh họa)

Và tin vui cho xuất khẩu điện sạch Việt Nam, mới đây, TCT Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận tiến hành hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển phục vụ dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo đó, Quyết định số 2452/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 24/8/2023, PTSC được phép tiến hành các hoạt động trên tại địa điểm ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm Khu vực biển số 1 và Khu vực biển số 2.

Khu vực biển số 1 gồm 2 khu vực với diện tích được sử dụng là 89.027 ha, độ sâu được sử dụng từ 20-35m (theo Hệ độ cao Hòn Dấu). Khu vực biển số 2 gồm 2 khu vực có diện tích 98.897 ha, độ sâu được sử dụng từ 50-65m (theo Hệ tọa độ Hòn Dấu). Thời gian thực hiện trong 36 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (24/8/2023).

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu PTSC lập, gửi thông tin chi tiết về các hoạt động khảo sát địa vật lý, địa kỹ thuật, khảo sát đánh giá tác động môi trường và xã hội, khảo sát đo gió, khí tượng và hải dương (chi tiết vị trí, phạm vi, tọa độ, ranh giới, diện tích, độ cao, độ sâu khu vực biển và thời gian, lịch trình chi tiết của từng hoạt động...) đến Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu khi tiến hành thực hiện các hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.

Định kỳ 6 tháng/lần, PTSC phải báo cáo, cung cấp thông tin bằng văn bản về tình hình sử dụng khu vực biển cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao. Đồng thời, chấp hành quyết định kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

PTSC phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về hành lang an toàn đối với hoạt động lắp đặt, sử dụng các thiết bị. Không làm ảnh hưởng đến hoạt động quốc phòng, an ninh, các tuyến, luồng hàng hải, cáp viễn thông, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, các hoạt động khai thác, sử dụng hợp pháp tài nguyên biển đã được cho phép thực hiện trong khu vực biển, không làm ảnh hưởng đến việc khai thác, vận hành, an toàn của các công trình trên biển và các hoạt động hợp pháp khác trên biển.

Doanh nghiệp cũng phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về phát triển điện gió và các quy định khác của pháp luật liên quan đến phát triển các dự án điện; tự chịu trách nhiệm trong trường hợp không được cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt triển khai dự án, giao khu vực biển để thực hiện dự án theo các quy định của pháp luật…

... không tận dụng sẽ lỡ cơ hội

Theo Quy hoạch điện VIII, hệ thống điện Việt Nam vừa có xuất khẩu vừa có nhập khẩu điện, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ nhập khẩu lên tới khoảng 5.000 MW (có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép) và dự kiến phấn đấu xuất khẩu điện từ 5.000 - 10.000 MW điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Theo chuyên gia cao cấp năng lượng Đào Nhật Đình - Thường trực Hội đồng khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Xuất, nhập khẩu điện là xu thế tất yếu của chuyển dịch năng lượng. Chỉ khi hệ thống kết nối rộng mới có thể bù trừ được những thay đổi trong tiêu thụ điện ở từng quốc gia. Do vậy mà ngay ở những "cường quốc" về năng lượng như Đức, Đan Mạch, Ba Lan… vẫn phải vừa xuất khẩu vừa nhập khẩu năng lượng.

Đối với Việt Nam, hiện nay công suất lắp đặt và hòa lưới điện mặt trời, điện gió đang tăng lên. Trong khi nguồn điện này không ổn định vì điện mặt trời chỉ phát vào ban ngày, điện gió thì vào tháng 3 - 6 công suất khả dụng rất thấp. Mặt khác các dự án năng lượng tái tạo tập trung nhiều ở khu vực miền Nam. Trong khi miền Nam thừa điện nhưng do công suất truyền tải điện từ Nam ra Bắc bị giới hạn ở mức 2.000 MW, nên khó truyền tải để bổ sung năng lượng cho miền Bắc vào thời điểm nắng nóng, thiếu điện.

Việt Nam đã thực hiện xuất, nhập khẩu năng lượng từ nhiều năm sang Trung Quốc, Lào, Campuchia. Xuất, nhập khẩu năng lượng đã trở thành xu hướng tất yếu và cần thiết.

Thêm tin vui cho xuất khẩu điện sạch Việt Nam
Xuất, nhập khẩu điện là xu thế tất yếu của chuyển dịch năng lượng nhưng nếu Việt Nam không tận dụng thì sẽ cơ hội xuất khẩu điện sạch. (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 do nhóm chuyên gia Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright và Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) biên soạn thì khu vực ĐBSCL có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối.

Trong đó, điện gió trên đất liền và gần bờ có khả năng khai thác trên gần 70.000MW, điện mặt trời có khả năng khai thác 31.500MW. Với lợi thế đường bờ biển dài, dư địa cho phát triển điện gió ngoài khơi ở ĐBSCL rất rộng mở, đặc biệt ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh. Phát triển điện gió là một trong những ngành được đặt nhiều kỳ vọng và ưu tiên trong thời gian tới.

Nhờ thế mạnh về nông nghiệp, ĐBSCL cũng có tiềm năng điện sinh khối lớn nhất trong 7 vùng sinh thái trên toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ: Theo Quy hoạch điện VIII, vùng ĐBSCL sẽ là trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Nếu các vướng mắc về quy định thu hút đầu tư được tháo gỡ thì ĐBSCL sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Triển vọng thu hút nguồn vốn FDI vào khu vực ĐBSCL cũng được kỳ vọng tăng đột biến nhờ các dự án đầu tư năng lượng sạch.

Tuy nhiên, lo ngại nguy cơ đánh mất cơ hội lớn từ điện sạch, một lãnh đạo PVN cho rằng, đây là "cơ hội lớn" mà nếu không kịp thời tận dụng sẽ bỏ lỡ một cách đáng tiếc. Dẫn thông tin từ Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Singapore (EMA) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), PVN cho hay tính đến tháng 7/2023, EMA đã nhận được hơn 20 đề xuất cung cấp điện sạch cho Singapore từ sáu nước trong khu vực.

Các đề xuất gồm có dự án nhập khẩu thủy điện từ Malaysia, nhập khẩu điện mặt trời từ Úc, nhập khẩu năng lượng tái tạo từ Ấn Độ thông qua tuyến cáp ngầm biển, nhập khẩu điện mặt trời từ Indonesia và nhập điện mặt trời và thủy điện từ Campuchia... Do vậy, theo PVN, nếu không sớm bắt tay vào triển khai dự án, khảo sát biển để xác định tiềm năng, sẽ khó tận dụng được cơ hội.

Chưa kể, dự án nói trên thuộc danh mục quan tâm đặc biệt của Chính phủ Singapore, trong bối cảnh nước này đã cấp phép cho các dự án nhập khẩu điện từ một số nước trong khu vực. Do vậy, để nắm bắt cơ hội này, PVN đã đề xuất Thủ tướng xem xét, đồng ý một số thủ tục liên quan đến liên doanh PTSC - Sembcorp Utilites Pte; cấp phép cho PTSC triển khai khảo sát vùng biển đã đăng ký phục vụ phát triển dự án điện gió ngoài khơi...

Theo một lãnh đạo của PVN, các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi sẽ ưu tiên phân bổ cho các thị trường tiềm năng trong bối cảnh các nước trong khu vực và thế giới đang triển khai nhanh. Tại thị trường trong nước, nhu cầu điện ngày càng tăng cao, tiềm năng điện gió ngoài khơi vô cùng dồi dào, thời gian phát triển dự án dài, nhu cầu vốn lớn (2,5 - 3 tỉ USD/GW). Do đó, việc khảo sát biển phục vụ đầu tư, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đang "cấp thiết hơn bao giờ hết".

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Thêm tin vui cho xuất khẩu điện sạch Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Chủ xe tiết lộ 3 lý do xe máy điện VinFast “đáng mua” hơn xe xăng
Thiết kế thời thượng, nhiều tính năng tiên tiến, chi phí sở hữu đã thấp còn thấp hơn với nhiều chính sách ưu đãi như chương trình “Phủ xanh Việt Nam” đang diễn ra (ưu đãi tới 12 triệu đồng),… là những yếu tố khiến nhiều người chuyển đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện VinFast.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.