Quảng Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng "sức khỏe" doanh nghiệp
6 tháng đầu năm 2023, tại địa phương này có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022, có 280 doanh nghiệp giải thể, tăng 6% so với cùng kỳ 2022; 569 doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ địa chỉ kinh doanh.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền trang trải các chi phí, duy trì hoạt động; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất cung ứng; tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số...
Hiện nay, tỉnh có hơn 10.700 doanh nghiệp, 408 hợp tác xã, hơn 19.400 hộ kinh doanh có đóng góp ngân sách, đang hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đã ghi nhận có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022, có 280 doanh nghiệp giải thể, tăng 6% so với cùng kỳ 2022; 569 doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ địa chỉ kinh doanh.
Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, coi việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Nghị quyết này đề ra 7 mục tiêu cụ thể và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế.
Trong đó, mục tiêu của nghị quyết đề ra: 100% các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp quy định của pháp luật và thuộc thẩm quyền của tỉnh (bao gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) được giải quyết kịp thời; giảm thiểu tối đa, chi phí thời gian, chi phí tiêu hao và các khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và được đáp ứng hạ tầng thông tin để sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tối thiểu 350 doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số.
100% các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được cung cấp thông tin đầy đủ dễ tiếp cận về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các giải pháp tiếp cận đất đai cho sản xuất, kinh doanh. 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thương hiệu và hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thương hiệu doanh nghiệp khi có nhu cầu.
100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu được hỗ trợ tuyển dụng lao động và hỗ trợ đào tạo lao động. 100% các cơ chế chính sách, ưu đãi về tín dụng được thông tin rộng rãi đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, thành viên hộ kinh doanh được tập huấn, hướng dẫn, giải quyết kịp thời nhanh chóng, hiệu quả. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh được cung cấp thông tin thị trường; được hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và kết nối tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu khi đủ điều kiện và có nhu cầu.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; ưu tiên vốn cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh, giảm thải các-bon phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh theo quy định của pháp luật; triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Tích cực triển khai các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội về hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tổ chức chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với hình thức phù hợp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, trong buổi gặp mặt, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực du lịch, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh sẵn sàng lắng nghe tiếng nói chân thành, có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp để cùng trăn trở, nâng cao trách nhiệm, tìm cách giải quyết thấu đáo từng khó khăn, vướng mắc với mục tiêu tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp, đồng chí yêu cầu các sở, ngành tham mưu, giải quyết vướng mắc, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh./.
Dương Định (T/H)