Quản lý xăng dầu: Giao tất cả cho Bộ Công Thương là phù hợp
Chuyên gia cho rằng, việc điều hành xăng dầu như hiện nay đang rất bất cập, có những khâu không cần thiết. Nên giao tất cả việc điều hành giá cho Bộ Công Thương
Chuyên gia cho rằng, việc điều hành xăng dầu như hiện nay đang rất bất cập, có những khâu không cần thiết. Nên giao tất cả việc điều hành giá cho Bộ Công Thương là phù hợp.
Bộ Tài Chính xin "nhường" quyền quản lý xăng dầu
Trong văn bản mới nhất gửi Bộ Công Thương tham gia ý kiến, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 quy định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều góp ý.
Trong đó, liên quan đến đề nghị của Bộ Công Thương về việc "Bộ Tài chính xây dựng nội dung quy định về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Trong đó có hướng dẫn cụ thể phương pháp tính giá cơ sở cụ thể theo từng loại xăng dầu; các loại chi phí về thuế, chi phí vận chuyển, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức... trong công thức tính giá cơ sở; xây dựng quy định về Quỹ bình ổn", Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương không phân công Bộ Tài chính viết các nội dung của Nghị định nêu trên.
Dẫn quy định tại Điều 90 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, Bộ Tài chính cho rằng: Cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định phải có nhiệm vụ tổ chức xây dựng dự thảo nghị định trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua; bảo đảm tính thống nhất của văn bản và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về nội dung, chất lượng và tiến độ soạn thảo Nghị định.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì sửa đổi, bổ sung Nghị định tổ chức xây dựng dự thảo và chịu trách nhiệm cuối cùng về nội dung, chất lượng dự thảo Nghị định. Bên cạnh đó, trong văn bản, Bộ Tài chính cũng nêu rõ quan điểm chưa đồng tình với những lập luận của Bộ Công Thương về nguyên nhân nguồn cung xăng dầu bất ổn.
Theo đó, tại dự thảo Tờ trình Thủ tướng, Bộ Công Thương nhận định: “Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu cho thị trường có một số bất ổn, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh”.
Phản bác lại quan điểm này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương bỏ nhận định chủ quan, chưa chính xác nêu tại dự thảo tờ trình. Bởi theo cơ quan này, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới (hiện chiếm tỷ trọng từ 60% đến 80% tùy từng chủng loại trong công thức tính giá cơ sở).
Vì vậy, với những biến động đột biến của giá thế giới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tại kỳ điều hành giá lại giảm sâu so với giá nhập mua.
Mặt khác, những biến động về cung cầu, cạnh tranh thị trường, chiến lược tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp.
Đối với việc điều chỉnh các khoản chi phí định mức trong giá cơ sở, Bộ Tài chính khẳng định “đã được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Thông tư số 104/2021/TT-BTC. Theo đó, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam đã được rà soát điều chỉnh 3 lần theo kết quả tổng hợp rà soát báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
“Như vậy, vấn đề này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đánh giá, giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; nghiên cứu quy định mức thù lao tối thiểu đại lý bán lẻ xăng để đảm bảo hoạt động cho các đơn vị bán lẻ ổn định nguồn cung, tránh tình trạng kho có hàng mà không bán cho người dân vì cửa hàng lỗ.
Đồng thời, nghiên cứu mỗi đại lý được mua xăng dầu của các công ty phân phối khác về xăng dầu (ngoài nhà cung cấp đại lý), trừ trường hợp có ràng buộc hợp đồng nhưng khi nhà phân phối hết hàng đại lý được phép mua nhà phân phối khác để bán. Quy định chất lượng xăng dầu trong nước phù hợp với xăng dầu nhập khẩu để xăng dầu nhập khẩu lẫn xăng dầu trong nước cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không bị thiệt hại.
Ngoài ra, Bộ Tài chính kiến nghị, Bộ Công Thương là đầu mối duy nhất điều hành xăng dầu, tự lập phương án về giá và Quỹ bình ổn.
Giới chuyên gia đồng tình
Đồng thuận với đề xuất của Bộ Tài chính trong việc giao việc điều hành giá xăng dầu về cho Bộ Công Thương, để thống nhất một đầu mối quản lý. Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính giá của những mặt hàng mang tính đặc thù Nhà nước hiện đang quản lý như giá xăng dầu, giá vật tư y tế,… sẽ do các cơ quan chủ quản xây dựng và quyết định. Như vậy, nếu theo Luật giá thì trước sau việc điều hành giá xăng dầu cũng sẽ thuộc về Bộ Công Thương.
“Bộ Công Thương là Bộ quản lý chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu, cho nên Bộ Công Thương phải là người giúp cho các DN đầu mối, trung gian và các DN bán lẻ xây dựng nên hệ thống tổ chức sản xuất - kinh doanh sao cho đơn giản, phù hợp nhất đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra. Việc giao quản lý toàn bộ cho Bộ Công Thương để việc điều phối của Bộ Công Thương với các DN sẽ phù hợp và sát với thực tiễn”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Chung quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, nếu vẫn để cả 2 Bộ cùng điều hành giá như trước đây sẽ vừa chậm, vừa khó phân định trách nhiệm khi có những sự việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua.
Theo phân tích của ông Thỏa, thực chất hiện nay Bộ Công Thương đã chịu trách nhiệm rất nhiều trong việc điều hành lĩnh vực xăng dầu, như chịu trách nhiệm về lập Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch hệ thống kho cảng, kho xăng dầu dự trữ; Cấp phép cho thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, Quy hoạch hạn mức nhập khẩu; Quản lý đăng ký sản xuất xăng dầu trong nước; Tính toán cung - cầu cũng như điều hành giá. Bộ Công Thương cũng chính là cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và điều tiết cung - cầu và là đơn vị hiểu về sản xuất, kinh doanh về cung - cầu, hiểu về giá thị trường thế giới và thị trường trong nước hơn các bộ khác.
“Không nên làm theo cách như hiện nay, đó là cắt khúc điều hành vì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm điều hành giá nhưng Bộ Tài chính chỉ tính chi phí định mức - một bộ phận trong cơ cấu giá. Nhưng khi điều hành giá, Bộ Công Thương lại phải chờ Bộ Tài chính thông báo rồi mới “lắp” vào giá cơ sở để công bố và điều hành là vô cùng bất cập, không cần thiết. Nên giao tất cả việc điều hành giá cho Bộ Công Thương là phù hợp”, ông Thỏa nêu quan điểm.
Bộ Tài chính sẽ nhận nếu Chính phủ giao
Tại họp báo của Bộ Tài chính hồi đầu tháng 1/2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng nhận định: công tác quản lý, điều hành xăng dầu thời gian qua, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì, Bộ Tài chính cơ quan cùng tham gia, bộ đã chủ động, trách nhiệm để tham gia việc điều hành giá có hiệu quả.
“Quan điểm của Bộ Tài chính là Bộ Công Thương điều hành khá tốt. Trong bối cảnh như vậy mà xăng dầu Việt Nam vẫn được điều hành nhịp nhàng, hỗ trợ cho tốt các cân đối vĩ mô và kiềm chế được lạm phát”, Thứ trưởng Chi nói.
Về việc giao đầu mối điều hành giá xăng dầu cho cơ quan nào, Thứ trưởng Chi cho biết quyết định cuối cùng thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi sửa đổi Nghị định.
"Chính phủ sẽ cân nhắc, cơ quan nào sát nhất với chức năng nhiệm vụ, phù hợp nhất, hiệu quả nhất cho quá trình quản lý, điều hành xăng dầu thời gian tới thì sẽ giao", Thứ trưởng Chi cho hay. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu.
“Trong trường hợp khác đi thì Bộ Tài chính chấp hành các phân công của Chính phủ và dù giao việc quản lý, điều hành xăng dầu cho cơ quan nào, bộ nào thì cũng đều phải tốt lên”, ông Chi nói.
Hà Lan