Nhờ đâu Novaland lãi hơn 2.000 tỷ sau 9 tháng đầu năm?
Trong 9 tháng đầu năm, Novaland đạt 7.894 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 2.025 tỷ đồng lãi ròng. Đáng chú ý, Tập đoàn vẫn giữ được lợi nhuận dương là nhờ hoạt động bán tài sản.
Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland; Mã NVL - HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Theo đó, Novaland ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 300 tỷ đồng, tương đương 56% xuống chỉ còn 236 tỷ đồng; luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 2.054 tỷ đồng, giảm 496 tỷ đồng, tương đương 19,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn giữ được lợi nhuận dương là nhờ hoạt động bán tài sản. Cụ thể, trong kỳ, doanh thu Novaland ít biến động và đạt mức 3.280 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 1.501 tỷ đồng xuống 1.410 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng vọt từ 800 tỷ đồng lên 1.415 tỷ đồng.
Trong kỳ, Novaland ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính lên đến 1.573 tỷ đồng, tăng 514 tỷ đồng, tương đương 48,5% so với quý 3/2020; luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 4.105 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 2/965 tỷ đồng của 9 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư đạt 1.600 tỷ đồng, lãi từ thoái vốn công ty con, công ty liên kết đạt 1.527 tỷ đồng. Đây là lãi thoái vốn từ nhóm công ty: Hạ tầng Sài Gòn, Khánh An và Carava Resort và Công ty cổ phần Đầu tư Nova SQN.
Lãi khủng nhờ bán tài sản
Trong kỳ, Novaland thực hiện rất nhiều thương vụ bán tài sản. Tuy nhiên, có hai thương vụ kể trên có giá trị cao và mang lại lợi nhuận tốt nhất.
Theo Quyết định số 16/2022-QĐ-HPT ngày 28/9/2022, Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Nova Hospitality đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nhà ở và Hạ tầng Sài Gòn (Công ty Hạ Tầng Sài Gòn) với tổng giá trị phần vốn góp là hơn 3.959 tỷ đồng, chiếm 99,996% vốn điều lệ tại công ty này.
Qua đó, Tập đoàn cũng không còn kiểm soát trong công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Khánh An và Công ty TNHH Carava Resort do Hạ tầng Sài Gòn đang nắm giữ 99,986% lợi ích vốn chủ sở hữu trong Khánh An và Khánh An nắm giữ 96,986% lợi ích vốn chủ sở hữu trong Carava Resort.
Trong tháng 9/2022, Tập đoàn đã hoàn thành việc chuyển nhượng các công ty con này với tổng giá trị chuyển nhượng là 4.537 tỷ đồng và thu được khoản lãi hơn 737 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 80A/2022-QĐ-HPT ngày 28/6/2022, Hội đồng quản trị của Nova Hospitality đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty cổ phần Đầu tư Nova SQN với tổng số lượng cổ phần là 3,58 triệu, chiếm tỷ lệ 49,72% vốn điều lệ tại công ty này.
Trong tháng 6/2022, Tập đoàn đã hoàn thành việc chuyển nhượng với tổng giá trị chuyển nhượng gần 806 tỷ đồng và thu về khoản lãi tới 798 tỷ đồng.
Tài sản “yếu” nhưng bán “được giá”
Có thể thấy, hai thương vụ lãi khủng kể trên đã giúp Novaland tránh được một kỳ thua lỗ khủng. Đáng chú ý, cổ phần được Novaland bán với giá cao đều có bức tranh tài chính không sáng sủa. Trong tháng 6/2022, Tập đoàn đã bán cổ phần tại Nova SQN thu về 806 tỷ đồng, trong đó 798 tỷ đồng là lãi. Nova SQN thành lập ngày 21/12/2012 với ngành nghề chính là “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”. Đến ngày 12/5/2016, Nova SQN mới tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng, rồi tăng lên 72 tỷ đồng từ ngày 30/9/2019.
Tuy nhiên, tới ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ là 65,2 tỷ đồng vì thua lỗ 1,6 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2017, Nova SQN cũng lỗ 481 triệu đồng. Tới năm 2020, thua lỗ được nâng lên 25,2 tỷ đồng. Kết quả là vốn chủ sở hữu công ty giảm xuống chỉ còn 44,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả lại tăng vọt lên 453 tỷ đồng, cao gấp 10,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 91,1% tổng nguồn vốn. Như vậy, có thể thấy, nguồn hành thành nên vốn và tài sản của Nova SQN chủ yếu đến từ nợ.
Thế nhưng, như đã nêu trên, Tập đoàn vẫn bán được cổ phần tại công ty này với giá gần 806 tỷ đồng và thu về khoản lãi tới 798 tỷ đồng.
Việc thoái vốn khỏi Công ty Hạ tầng Sài Gòn, từ đó gián tiếp thoái vốn khỏi Công ty Khánh An và Carava Resort mang lại cho Novaland 4.537 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng và khoản lãi 737 tỷ đồng.
Thế nhưng, cũng giống như Nova SQN, Công ty Hạ tầng Sài Gòn cũng có bức tranh tài chính yếu ớt. Công ty này thành lập ngày 13/9/2013. Dù đã có gần 10 năm hoạt động nhưng trong nhiều năm gần đây công ty không hề phá sinh doanh thu nên triền miên thua lỗ với các khoản lỗ 45,4 triệu đồng (năm 2018), 4,3 tỷ đồng (năm 2019), 53,7 tỷ đồng (năm 2020).
Thua lỗ triền miên nên vốn chủ sở hữu công ty bị bào mòn. Tới cuối năm 2018 chỉ tiêu này chỉ còn hơn 6 tỷ đồng, sau đó tăng dần và đạt 226 tỷ đồng vào ngày 31/12/2020. Vốn chủ sở hữu tăng là nhớ tăng vốn điều lệ.
Bước sang năm 2021, vốn chủ sở hữu vọt lên 2.449 tỷ đồng nhưng cũng không đóng góp được nhiều cho công ty khi doanh thu vẫn 0 đồng và công ty ghi nhận thua lỗ 27,5 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, giá cổ phiếu của ngành bất động sản giảm khá nhiều, do dự báo tình hình kinh tế chung cũng như của ngành bất động sản nói riêng khó khăn. Cổ phiếu NVL cũng bị ảnh hưởng nhưng mức giảm không quá lớn. Cụ thể đóng cửa cuối tuần qua (28-10), NVL xuống còn 72.500 đồng/cổ phiếu, trong khi cuối tháng 9 là 84.000 đồng/cổ phiếu.
Sáng 18/09/2022, Nhân Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển, Novaland đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì do Chủ tịch Nước trao tặng ghi nhận những nỗ lực đóng góp cho cộng đồng xã hội, đặc biệt là công tác tham gia phòng chống dịch Covid tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác của Tập đoàn trong những năm qua.