0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 13/07/2025 14:52 (GMT+7)

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 2 Dự án đường sắt quốc gia đi qua địa bàn

Theo dõi KT&TD trên

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị các xã liên quan đến 2 Dự án cần chủ động và trong tuần sau phải chốt được các điểm tái định cư trên địa bàn.

Sáng 11/7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) chủ trì cuộc họp giao ban với Ban Chỉ đạo GPMB Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn thành phố Hà Nội) để nghe báo cáo về tiến độ triển khai công tác GPMB 2 Dự án.

Tham dự cuộc họp còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo GPMB cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan của Thành phố và lãnh đạo các xã liên quan đến 2 dự án gồm: Đại Xuyên, Phượng Dực, Chuyên Mỹ, Thường Tín, Thượng Phúc, Ngọc Hồi, Tiến Thắng, Quang Minh, Thư Lâm, Phúc Thịnh, Đông Anh, Phù Đổng, Thuận An.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 2 Dự án đường sắt quốc gia đi qua địa bàn- Ảnh 1.
Quang cảnh cuộc họp giao ban sáng 11/7

Khối lượng GPMB trên địa bàn Hà Nội của cả 2 Dự án là 357,94ha

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại - Đại diện Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo GPMB đã thông tin khái quát về 2 Dự án. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025.

Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Xây dựng có Văn bản số 1676/BQLDAĐS-DA1 ngày 10/6/2025 cung cấp hồ sơ sơ bộ phạm vi GPMB Dự án. Cụ thể, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội có chiều dài khoảng 37,5 km, đi qua địa bàn các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm (trước đây). Dự kiến khối lượng GPMB trên địa bàn thành phố Hà Nội là khoảng 245,2 ha. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, Dự án đi qua địa bàn các xã: Tiến Thắng, Quang Minh, Phúc Thịnh, Thư Lâm, Phù Đổng, Thuận An.

Về việc triển khai công tác GPMB, thu hồi đất, qua rà soát, tổng hợp cho thấy huyện Mê Linh (nay là các xã Tiến Thắng, Quang Minh) có diện tích đất cần thu hồi khoảng 9,394 ha. Vị trí tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đoạn đi qua địa phận huyện Mê Linh cơ bản chạy qua phần diện tích đất nông nghiệp, không phải thực hiện công tác tái định cư. Dự kiến tổng chi phí GPMB khoảng 92,1 tỷ đồng.

Huyện Đông Anh (nay là các xã Phúc Thịnh, Thư Lâm) có diện tích đất cần thu hồi khoảng 72,099ha; dự kiến tổng chi phí GPMB khoảng 2.182,8 tỷ đồng. Huyện Gia Lâm (nay là các xã Phù Đổng, Thuận An) có tổng diện tích thu hồi đất (2 giai đoạn) bao gồm cả phạm vi bảo vệ 2 bên đường sắt, nhà ga khoảng 198ha (xã Phù Đổng - sau sắp xếp, khoảng 171,5ha; xã Thuận An - sau sắp xếp, khoảng 25,6ha).

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại Văn bản số 8078/VP-NNMT ngày 03/6/2025 của Văn phòng UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã định kỳ hằng tuần rà soát, cung cấp thông tin, báo cáo theo thời hạn, biểu mẫu Ban quản lý dự án đường sắt - Bộ Xây dựng.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 2 Dự án đường sắt quốc gia đi qua địa bàn- Ảnh 2.
Chủ tịch UBND xã Quang Minh Nguyễn Tiến Dũng báo cáo tiến độ triển khai công tác GPMB dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn xã tại cuộc họp

Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024. Chiều dài tuyến đi qua trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 27,9km, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi, GPMB trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 112,74ha, nằm trên địa bàn các xã: Ngọc Hồi, Thường Tín, Thượng Phúc, Phượng Dực, Chuyên Mỹ và Đại Xuyên (các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên trước đây).

Ngày 13/3/2025, Văn phòng UBND Thành phố có Văn bản số 2927/VP-ĐT đề nghị UBND các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú xuyên rà soát, tổng hợp nhu cầu tái định cư và đề xuất địa điểm tái định cư. Cụ thể, huyện Thường Tín (nay là các xã Thường Tín, Thượng Phúc) có tổng diện tích thu hồi (không bao gồm phạm vi bảo vệ 2 bên đường sắt) là khoảng 44,955m2. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 411 hộ gia đình. Nhu cầu diện tích đất xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn là khoảng 16ha.

Huyện Thanh Trì (nay là xã Ngọc Hồi) có tổng diện tích đất thu hồi khoảng 5,571ha, trong đó đất ở khoảng 0,7632ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp khác. Nhu cầu tái định cư khi thực hiện Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam khoảng 320 trường hợp tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì (trước đây). Tổng diện tích bố trí tái định cư dự kiến khoảng 2,56ha.

Huyện Phú Xuyên (nay là các xã Phượng Dực, Chuyên Mỹ) có tổng diện tích thu hồi khoảng 62,2084 ha, trong đó đất ở khoảng 3,33ha (số liệu sơ bộ dựa trên phạm vi, hướng tuyến Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Xây dựng cung cấp; UBND huyện Phú Xuyên trước đây chưa có Văn bản báo cáo).

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, để đảm bảo nội dung, tiến độ báo cáo về việc thực hiện công tác thu hồi đất GPMB, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các xã, phường thuộc phạm vi 2 Dự án tuyến đường sắt quốc gia đi qua: Các xã, phường chưa có văn bản báo cáo về công tác GPMB, phạm vi diện tích thu hồi đất, nhu cầu tái định cư 2 Dự án theo chỉ đạo của UBND Thành phố khẩn trương gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp.

UBND các xã, phường chủ trì giải quyết các vướng mắc (nếu có) trong công tác GPMB thuộc thẩm quyền theo chỉ đạo tại Văn bản số 3865/UBND-NNMT ngày 2/7/2025 của UBND Thành phố. Đồng thời, cung cấp thông tin đầu mối cán bộ tổng hợp các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng 2 Dự án đường sắt quốc gia, gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường để biết và theo dõi, liên hệ.

Trong tháng 8 bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án dường sắt - Bộ Xây dựng cho biết đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan để trong tháng 7 này hoàn thành rà soát hướng tuyến và tháng 8 bàn giao cọc mốc GPMB từng phần trên thực địa liên quan đến các địa phương. Vì thế, đơn vị mong muốn Thành phố chỉ đạo các địa phương tiếp tục phối hợp, hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ bàn giao cọc mốc cũng như các phần việc tiếp theo. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, xã có liên quan đến 2 Dự án đường sắt quốc gia đã báo cáo với lãnh đạo Thành phố về tình hình GPMB; đồng thời kiến nghị với Thành phố các nội dung liên quan để đẩy nhanh tiến độ GPMB 2 Dự án.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 2 Dự án đường sắt quốc gia đi qua địa bàn- Ảnh 3.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức trao đổi tại cuộc họp

Ngày 9/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Trên tinh thần chủ động tích cực và hiệu quả của các địa phương, Thủ tướng thống nhất khởi công đồng loạt 2 Dự án này vào ngày 19/8/2025 nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt đó, tại cuộc họp Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, đây là hai dự án đường sắt quốc gia trọng điểm có ý nghĩa quan trọng. Các đơn vị liên quan của Thành phố cần cập nhật thông tin, nắm vững các quy định của pháp luật để thực hiện công tác GPMB đúng tiến độ. Đối với các xã có 2 Dự án đi qua, đồng chí Dương Đức Tuần đề nghị các địa phương cần chú trọng công tác tái định cư cho người dân; chủ động và chịu trách nhiệm về việc lậpthẩm duyệt và chủ đầu tư dự án GPMB tại địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh biểu dương tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của các xã thuộc Thành phố, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công việc sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp kể từ ngày 1/7 vừa qua.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 2 Dự án đường sắt quốc gia đi qua địa bàn- Ảnh 4.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị các đồng chí lãnh đạo xã tham dự cuộc họp này báo cáo với Thường trực Đảng ủy xã để bảo đảm tinh thần quyết liệt, thông suốt mọi chỉ đạo từ Trung ương đến Thành phố xuống các địa phương. Trong đó, đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã phải là Trưởng Ban chỉ đạo GPMB của xã để chỉ đạo thực hiện các dự án GPMB trên địa bàn liên quan đến 2 Dự án quan trọng này.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết, về phía UBND Thành phố sẽ sớm ký ban hành hướng dẫn các quy định liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền, thẩm quyền của cấp xã trong thực hiện công tác GPMB 2 Dự án. Trong đó, hướng dẫn cụ thể những phần việc nào thuộc thẩm quyền, phần việc nào phải xin ý kiến cấp trên để bảo đảm việc GPMB đúng quy định của pháp luật và tiến độ đề ra, trong đó chú trọng các nội dung liên quan đến việc chỉ định thầu.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị các xã liên quan đến 2 Dự án cần chủ động và trong tuần sau phải chốt được các điểm tái định cư trên địa bàn. Về phía Sở Quy hoạch - Kiến trúc, đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị sớm tham mưu Thành phố quy hoạch các khu tái định cư phục vụ các dự án đầu tư của Thành phố từ nay đến năm 2030.

Đồng chí Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị các đơn vị liên quan của Thành phố sớm cập nhật số liệu cụ thể về các ga của 2 Dự án đi qua địa bàn Thành phố; đồng thời chủ động hướng dẫn, phối hợp với các xã các triển khai công tác GPMB hiệu quả, không dàn trải, trong đó ưu tiên các xã đông dân cư và phải GPMB lớn.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 2 Dự án đường sắt quốc gia đi qua địa bàn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Cơ hội cho thị trường bất động sản sau sáp nhập tỉnh thành
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, một chủ trương lớn của Chính phủ nhằm tinh gọn bộ máy và tối ưu hóa nguồn lực, đang tạo ra những chuyển động mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng
Giá chung cư tại Hà Nội vẫn tiếp tục lập đỉnh, tăng đều từ cuối 2023 đến giữa năm 2025, hiện trung bình ở mức 70 - 80 triệu đồng/m², với những dự án cao cấp vượt 150 triệu.

Tin mới

SeABank tổ chức “Ngày hội đổi rác lấy quà” - Lan tỏa lối sống xanh vì Hà Nội sạch đẹp
Hướng đến mục tiêu xây dựng lối sống xanh và nâng cao ý thức phân loại rác trong cộng đồng, Ngân hàng SeABank phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) triển khai chương trình thường kỳ “Ngày hội đổi rác lấy quà” tại trụ sở SeABank số 25 Trần Hưng Đạo, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội
Chọn ô tô đầu tiên, mua xe gì trong khoảng 500 triệu đồng?
Với mức giá dưới 500 triệu đồng sau khi áp dụng nhiều chính sách ưu đãi và miễn lệ phí trước bạ, cùng chi phí vận hành hợp lý của xe điện, VinFast VF 5 đang trở thành lựa chọn phù hợp cho nhiều người tiêu dùng Việt có nhu cầu sở hữu ô tô cá nhân mà không cần đầu tư quá lớn.
“Siết” thuế bán hàng online: Tăng thu ngân sách, đảm bảo công bằng kinh doanh
Trong bối cảnh TMĐT phát triển bùng nổ tại Việt Nam, việc bán hàng qua các nền tảng trực tuyến đã trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế, nhất là khi có không ít cá nhân, hộ KD online chưa kê khai không đầy đủ.